Nền kinh tế nhiều điểm sáng tạo đà tăng trưởng tích cực

Thứ năm, ngày 01/08/2024

(BDO) Đi qua hơn nửa đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam liên tục được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực và đặt kỳ vọng cao về khả năng tăng trưởng đạt, vượt mục tiêu.


Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhờ quyết liệt thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng Bảy và 7 tháng năm 2024 của Việt Nam duy trì xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các tháng, quý tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, những tín hiệu tích cực, nền kinh tế vẫn chưa phục hồi toàn diện, do vậy cần tiếp tục có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là thực hiện các giải pháp đồng bộ theo Công điện số 71/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô quý III năm 2024.

Nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực

Bức tranh kinh tế 7 tháng ghi nhận nhiều điểm sáng, đầu tiên phải kể đến Chính phủ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong tháng 7, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc ban hành các văn bản hướng dẫn các Luật sửa đổi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Tổ chức tín dụng 2024...

Về chính sách tài khóa, Chính phủ đã ban hành Công điện số 71/CĐ- TTg ngày 21/7/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý 3/2024 (như tinh thần Nghị quyết 01/2024/NQ-CP); Công văn số 4808/VPCP-KTTH ngày 9/7/2024 về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; Thông báo số 335/TB-VPCP ngày 19/7/2024 về xử lý vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh liên quan... Theo đó, Chính phủ đã nhấn mạnh tiếp tục thực thi chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, để kích hoạt, dẫn dắt đầu tư tư nhân; thông qua việc đề xuất và được Quốc hội thông qua giảm nhiều loại thuế (nhất là giảm 2% VAT đến hết năm 2024), phí, lệ phí; gia hạn nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...


Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Bảy và 7 tháng năm 2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,48% so với tháng trước; tăng 1,89% so với tháng 12/2023; tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,73%. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát để thực hiện thành công mục tiêu cả năm 2024 đã được Quốc hội thông qua.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2024 ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD).

Thực hiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước, thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 40,6% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 7 tháng, cả nước có 1.816 dự án mới được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 10,76 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 35,6% về số vốn đăng ký. Vốn FDI thực hiện ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua...

Mặc dù vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, bên cạnh những điểm sáng, bức tranh kinh tế tháng Bảy và 7 tháng năm 2024 vẫn có những khó khăn chưa khắc phục và vượt qua của nền kinh tế. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (chỉ số IIP) tăng chưa vững chắc, không đồng đều giữa các ngành. Chỉ số IIP tháng 7/2024 ước tăng 0,7% so với tháng trước; chỉ số IIP 7 tháng năm 2024 ước tăng 8,5%.

Một số ngành công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu có mức tăng khá như; dệt tăng 12,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre nứa tăng 10,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 9,8%. Tuy vậy, ngành may mặc chỉ tăng 6,2%; ngành sản xuất đồ uống chỉ tăng 0,8%.

Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong mấy năm qua đang phải đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn, trong những tháng đầu năm và úng lụt trong mùa mưa bão đã ảnh hưởng, gây thiệt hại trong hoạt động sản xuất, đặc biệt tới sản xuất lương thực.

Dù các doanh nghiệp đã nỗ lực trong tìm kiếm thị trường và lao động, nhưng do tổng cầu trong nước và thế giới phục hồi chậm nên doanh nghiệp vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn. Sức mua của thị trường trong nước vẫn còn yếu, tăng thấp. Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 1,9 điểm phần trăm so với mức tăng của cùng kỳ năm 2023, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%). 

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng và các cộng sự của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, thị trường chứng khoán tiếp tục phục hồi dù còn nhiều thách thức; thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi dù còn chậm. Lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp song tăng trưởng tín dụng còn chậm so với kỳ vọng. Giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng còn chậm nguyên nhân chủ yếu là do danh mục nhà ở xã hội chưa được công bố đầy đủ tại nhiều địa phương, vướng mắc pháp lý, thủ tục giải phóng mặt bằng...

Đồng bộ các giải pháp

Tại Công điện số 71/CĐ-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô quý III năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, giảm phí, lệ phí đã được ban hành. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát rủi ro nợ xấu, triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng… Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để kích hoạt dẫn dắt đầu tư tư, thúc đẩy hợp tác công tư. 

Theo Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc (CESS), để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bên cạnh việc tiếp tục tăng cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, giải pháp quan trọng là tăng cả tốc độ và chất lượng giải ngân vốn đầu tư công, từ đó tác động vào việc tăng cầu đầu tư của doanh nghiệp.

Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ở các dự án trọng điểm, quy mô lớn, nhất là các dự án cơ sở hạ tầng mang tính kết nối sẽ tạo ra các hành lang giao thông và các động lực tăng trưởng kinh tế mới cho nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra các giải pháp cần làm là tập trung phục hồi và thúc đẩy đầu tư của khu vực ngoài nhà nước bằng các cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù, kích hoạt lại và khơi thông nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn.

Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu; đặc biệt đối với thị trường nhập khẩu để giảm thiểu tác động của những cú sốc từ các thị trường này; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội và thực hiện đầy đủ cam kết từ các Hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu.

Để xử lý vấn đề giá cước vận tải biển tăng cao ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng cần tập hợp các doanh nghiệp thành viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch vận tải, làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước biến động trong ngắn hạn; đồng thời tăng cường giám sát, giảm giá dịch vụ tại cảng biển và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm đề xuất cần tập trung thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước để thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm trong thời gian tới, đồng thời thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội như giảm thuế thu nhập cá nhân; giảm giá dịch vụ hàng không, đường sắt để kích cầu du lịch trong nước và thu hút khách du lịch quốc tế; nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường các đợt khuyến mại với mục tiêu Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết vấn đề nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, tạo an tâm về chỗ ở, khuyến khích tinh thần làm việc, nâng cao mức sống.

Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng cận trên (7%), kiểm soát lạm phát và các mục tiêu khác cho năm 2024 và tạo đà cho các năm tiếp theo, Nhóm Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV kiến nghị, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP ngày 5/1/2024; các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị của Chính phủ; tiếp tục bám sát, chủ động phân tích, dự báo và có kịch bản ứng phó phù hợp đối với tình hình kinh tế, tài chính quốc tế... Một số giải pháp khác được đề xuất là: tiếp tục phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, đầu tư - nhất là đầu tư tư nhân và đầu tư công, tiêu dùng); khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng...) đồng thời nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội...

Theo TTXVN