Nên hát trực tiếp Quốc ca

Thứ hai, ngày 22/03/2010

Quốc gia nào cũng có Quốc ca và Quốc kỳ. Quốc ca của một nước như là lời hiệu triệu, khơi gợi truyền thống, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Quốc kỳ là biểu trưng cho một quốc gia, là màu cờ sắc áo, thể hiện ý chí của dân tộc đó. Chào cờ thường đi đôi với hát Quốc ca. Trong những đại lễ, lễ hội, hoạt động chính trị, ngoại giao, văn hóa, các sự kiện thể thao... thì Quốc kỳ, Quốc ca đều được cử hành.

Thời gian gần đây, việc chào cờ và hát Quốc ca đã được các địa phương, đơn vị, cơ quan, công sở, trường học... quan tâm và có nơi duy trì khá tốt. Ngoài các sự kiện nói trên thì chào cờ và hát Quốc ca là việc làm thường xuyên ở các trường học trong mỗi buổi sáng thứ hai hàng tuần. Ngày đầu của một tuần làm việc, đứng nghiêm trang trước cờ Tổ quốc, khi lời Quốc ca vang lên, mỗi người chúng ta - công dân nước Việt đều cảm thấy tự hào, thiêng liêng. Lời Quốc ca cất lên hùng hồn như lời sông núi hùng thiêng, nhắc nhở mỗi người luôn ra sức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình; nó còn thể hiện ý chí của mỗi người, mỗi tập thể, của cộng đồng quyết tâm xây dựng và bảo vệ đất nước thân yêu, bảo vệ thành quả cách mạng mà ông cha ta đã dày công vun đắp và đổ biết bao máu xương mới có được.

Tuy nhiên, có một thực tế, hiện nay không phải địa phương, cơ quan, đơn vị nào cũng thực hiện tốt việc chào cờ, hát Quốc ca. Thậm chí có nơi không tổ chức chào cờ vào các buổi sáng thứ hai hàng tuần. Có nơi thực hiện nhưng lại nặng về hình thức. Có nơi trong lễ chào cờ mọi người không hát trực tiếp mà lại bắt Quốc ca lên bằng băng đĩa. Có nơi hát trực tiếp nhưng rời rạc, không đồng nhịp, thậm chí có người không hát hoặc không thuộc Quốc ca! Cụ thể hơn, năm nay là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp; đến thời điểm này đã có một số chi, Đảng bộ tổ chức xong đại hội, trong đó có đại hội điểm. Tuy nhiên theo ghi nhận thì hầu như việc hát trực tiếp Quốc ca đã không diễn ra mà thay vào đó là cử hành chào cờ, nghe hát Quốc ca qua băng đĩa. Trong khi đó, theo quy định về trình tự tổ chức, trước khi khai mạc và bế mạc đại hội các đại biểu phải hát trực tiếp Quốc ca và Quốc tế ca.

Thiết nghĩ, chào cờ và hát Quốc ca là việc làm cần thiết, là trách nhiệm của mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị của mỗi công dân xuất phát từ trái tim, từ trách nhiệm đối với đất nước. Việc chào cờ phải duy trì thường xuyên và được chuẩn bị chu đáo. Người dự lễ chào cờ phải biểu thị thái độ tôn nghiêm và điều quan trọng là mọi người nên trực tiếp hát Quốc ca. Năm 2010 là năm có nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn và trọng đại sẽ được tổ chức. Vì vậy chào cờ, hát Quốc ca là việc làm mang ý nghĩa chính trị và văn hóa sâu sắc; đây cũng là việc làm thiết thực thể hiện tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội của mỗi công dân.

THÁI PHONG