Nền hành chính công cần được chấn chỉnh!
Qua khảo sát gần 14.000 người dân ở 63 tỉnh, thành trong cả nước về chỉ số PAPI năm 2012 cho thấy tình trạng hối lộ vẫn phổ biến và gia tăng trong khu vực công. Trung bình một học kỳ, phụ huynh phải chi từ 100.000 đến 600.000 đồng để con em họ nhận được sự ưu ái hơn của giáo viên tiểu học công lập, 37.000 đến 146.000 đồng cho mỗi lần sử dụng dịch vụ y tế bệnh viện tuyến huyện và 123.000 đến 818.000 đồng cho một lần dùng dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khảo sát còn cho biết, có 44% ý kiến cho rằng phải lót tay khi xin việc vào cơ quan Nhà nước; 42% cho rằng phải dúi phong bì khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện tuyến huyện; 32% cho rằng phải lót tay khi làm thủ tục xin cấp giấy tờ nhà đất; 25% cho rằng phải lót tay để giáo viên quan tâm đến con em mình ở cấp tiểu học.
Tình trạng tham nhũng vặt có thể làm cho người dân khó chịu nhưng họ vẫn sẵn sàng chi trả các khoản “bôi trơn” để được việc. Theo đánh giá, trước đây, tham nhũng chủ yếu chỉ xảy ra trong lĩnh vực kinh tế, nhưng nay đã lan sang các lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý, như giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội, nhân đạo, từ thiện... Muốn xin việc làm trong khu vực Nhà nước, muốn được chăm sóc y tế tử tế, xin vào trường công, xin cấp giấy đỏ… tất cả đều phải hối lộ, lót tay. Nhiều người đã phát biểu thẳng rằng, quan hệ với người có chức, quyền là quan trọng, thậm chí có năng lực không quan trọng bằng có quan hệ.
Việc người dân phải sử dụng các khoản chi phí không chính thức “bôi trơn”, bồi dưỡng, nói đúng ra là hối lộ để xin việc làm, làm thủ tục nhà đất, học hành và khám, chữa bệnh đang trở thành vấn đề phổ biến. Hiện nay người dân đã rất quen với việc đưa hối lộ. Thông thường những lời cảm ơn đều phải kèm theo phong bì. Điều này chứng tỏ cỗ máy của chúng ta đang có vấn đề, cỗ máy đã bị “khô dầu” nên người dân mới phải “bôi trơn” như vậy.
Việc công bố chỉ số PAPI cấp tỉnh năm 2012 đang gióng lên một hồi chuông báo động về cơ chế, quản lý và điều hành nền quản lý hành chính công hiện nay.
THÁI PHONG