NATO lập 'lá chắn thép' che phủ bầu trời
Tổng thư ký của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm nay kêu gọi các nước thành viên thể hiện trách nhiệm của mình bằng việc ủng hộ kế hoạch thiết lập hệ thống phòng không với mục tiêu bảo vệ châu Âu và Bắc Mỹ.
Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen cho rằng, tuyên bố chung mới của NATO, dự kiến được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng tới tại Bồ Đào Nha, sẽ tập trung vào chiến lược tái cơ cấu liên minh quân sự này nhằm đối phó với những mối đe dọa tiềm tàng.
“Nhiệm vụ trọng tâm của NATO nhằm bảo vệ 900 triệu người dân của tổ chức không bao giờ thay đổi. Tuy nhiên, cách thức bảo vệ cần được hiện đại hóa để có thể chống lại những mối đe dọa mới”, ông Anders nhấn mạnh.
Tổng thư ký NATO kêu gọi các nước nhất trí thông qua kế hoạch lắp đặt hệ thống phòng thủ tại châu Âu.
Theo ông Anders, việc thông qua dự án này sẽ tạo ra một “tương lai vững bền hơn cho một liên minh quân sự lớn nhất thế giới”.
Tuy nhiên, không ít Chính phủ tỏ ra nghi ngại về tính khả thi của dự án này bởi chi phí đắt đỏ cũng như khả năng hoạt động của hệ thống phòng thủ. Ngoài ra, một số giới chức châu Âu cũng cho rằng, liên minh này không nên “biến thái” thành lực lượng “bảo kê” toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Giải đáp cho những lo ngại này của một số Chính phủ, ông Anders Fogh Rasmussen khẳng định, mối đe dọa thực sự đang hiện hữu. “Người dân của chúng ta ngày càng phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Hơn 30 quốc gia sở hữu hoặc đang phát triển tên lửa không chỉ có thể sản xuất các đầu đạn thông thường mà họ còn tiến tới làm chủ công nghệ hạt nhân, sản xuất những vũ khí hủy diệt hàng loạt. Không ít những mũi tên lửa hạt nhân nguy hiểm đó có thể chĩa vào các thành phố của châu Âu”, Tổng thư ký NATO nhấn mạnh.
Xét đến tính khả thi của dự án, ông Anders nhận định, quá trình thiết lập không đơn giản nhưng không phải không thể thực hiện. Theo ông, với kinh nghiệm lâu năm trong việc phát triển các hệ thống phòng không hỗn hợp, NATO giờ đây hoàn toàn có thể triển khai nhiều hệ thống phức tạp.
Tuy nhiên, ông Anders bảo đảm, kế hoạch thiết lập hệ thống này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách của bất cứ quốc gia thành viên nào. Chi phí cho những chương trình hiện tại của liên minh này hiện mất khoảng 800 triệu euro. Ông khẳng định, chỉ cần một khoản chi bổ sung khoảng gần 200 triệu euro nữa, an ninh của toàn châu Âu sẽ hoàn toàn được đảm bảo.
“Mức chi đó không nằm ngoài khả năng tài chính của các nước. Chỉ cần một khoản đầu tư tương đối nhỏ, tất cả các quốc gia trong liên minh có thể cùng hưởng lợi từ việc an ninh ngày càng gia tăng”, quan chức hàng đầu của NATO tuyên bố.
Cụ thể hóa cho nhận định về một “sự đầu tư xứng đáng” của mình, ông Anders cho hay, hệ thống phòng thủ đa quốc gia sẽ hiệu quả hơn nhiều so với hệ thống ở từng nước riêng rẽ. Bằng việc chia sẻ thông tin dữ liệu trong toàn bộ hệ thống, NATO sẽ có cái nhìn tổng thể về những diễn biến trên toàn khu vực. Điều đó tạo cơ hội thuận lợi cho quân đội liên minh nhanh chóng phát hiện mối họa tiềm tàng.
Bên cạnh đó, theo Tổng thư ký, những lợi ích về chính trị cũng không nhỏ. Sự phối hợp này càng chứng tỏ sức mạnh đoàn kết của các nước thành viên trước mối đe dọa từ bên ngoài. Ngoài ra, dự án cũng tạo cơ hội cho liên minh hợp tác chặt chẽ với Nga. Ông khẳng định, hợp tác Nga – NATO trong hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ tạo nền tảng an ninh vững chắc cho châu Âu và Đại Tây Dương.
Tổng thư ký NATO kết luận, dự án hoàn toàn khả thi và có tính hiệu quả cao. Do đó, các nước thành viên nên nắm bắt cơ hội tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới để bảo vệ công dân của nước mình cũng như khu vực.
Tuy nhiên, những tuyên bố “chắc như đinh đóng cột” của lãnh đạo này dường như vẫn không “làm siêu lòng” những người phản đối. Chính phủ Anh, Đức và một số thành viên NATO khác kiên quyết cắt giảm mạnh ngân sách quốc phòng.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates không giấu khỏi lo ngại về sự sụp đổ của kế hoạch. Theo ông, việc cắt giảm ngân sách của một số nước đồng nghĩa với việc gánh nặng tài chính đè lên đôi vai của Mỹ. “Washington khó có thể bù đắp những khoản chi phí thiếu hụt do các quốc gia gây ra, đặc biệt trong bối cảnh dư luận Mỹ không ngừng gây sức ép buộc Chính phủ hạn chế mức chi tiêu cho quốc phòng”, ông Gates nhấn mạnh.
NATO đề xuất kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm bảo vệ các nước thành viên trước những cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran và Triều Tiên. Theo ông Anders, Nga có thể tham gia dự án này. Vì vậy, hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ kéo dài từ Vancouver đến Vladivostok.
Tuy nhiên, đại diện thường trực Nga tại NATO, ông Dmitry Rogozin tuyên bố Nga cần tin chắc lời mời của NATO không phải là một mánh khóe ngoại giao, mà thực sự là sự thiện chí hợp tác.
Theo Đất Việt