Nâng tầm phong trào xây dựng giao thông nông thôn
UBND tỉnh vừa tổ chức họp nghe Sở Giao thông - Vận tải báo cáo đánh giá kết quả thực hiện phong trào xây dựng giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị giai đoạn 2009-2013. Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở ngành liên quan và địa phương đánh giá cao kết quả thực hiện phong trào, đồng thời góp ý đề nghị tỉnh tiếp tục có những hướng đi mới để phong trào đem lại hiệu quả cao hơn.
Giao thông liên hoàn
TX.Thuận An là một trong những địa phương làm tốt phong trào xây dựng giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị của tỉnh. Những năm trước đây, khi hệ thống giao thông nông thôn chưa phát triển, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, bà con đi lại chủ yếu bằng xe hai bánh hoặc đi bộ. Nhờ thực hiện tốt phong trào này dần dần bà con sắm xe 3 bánh, rồi 4 bánh để chở hàng hóa đưa ra thị trường, tăng thu nhập cho gia đình, cho địa phương.
Thi công xây dựng đường giao thông nông thôn nối liền xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng với các xã thuộc huyện Dầu Tiếng. Ảnh: D.CHÍ
“Bà con ở đây lâu nay gắn bó với vườn cây măng cụt và măng cụt ở đây đã có tiếng tăm nên nhiều người đến mua đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhưng trước đây đường sá đi lại trong các vườn măng khá khó khăn nên chưa có điều kiện để mở mang, phát triển vườn cây. Nay đường đi lại liên thông, rộng rãi, bà con dễ mua bán, vườn cây cũng có điều kiện phát triển tốt hơn nên ai cũng phấn khởi”, ông Nguyễn Văn Niếp, người dân phường Lái Thiêu, TX.Thuận An cho biết.
TX.Tân Uyên cũng là địa phương đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện phong trào này. “Từ năm 2009-2013, phong trào giao thông nông thôn đã giúp Tân Uyên thực hiện được 149 công trình với chiều dài trên 380km, giá trị khoảng 98 tỷ đồng. Với kinh phí và số lượng công trình như vậy đã đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho thị xã”, Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên Đoàn Hồng Tươi cho biết.
Thực hiện phong trào phù hợp với địa phương
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng Nguyễn Phương Linh, để tiếp tục phát triển phong trào xây dựng giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị phù hợp với điều kiện và tình hình mới, Sở Giao thông - Vận tải cần tổ chức tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm để có kế hoạch chuyển hướng sang giai đoạn mới. Sở cũng cần nghiên cứu, giới thiệu vật liệu kết dính mới hữu ích, giảm chi phí giá thành, nhằm thay thể cho đá cấp phối, sỏi đỏ để thực hiện các công trình nhỏ, đường xóm ấp; đồng thời phải bảo đảm quy hoạch gắn với kế hoạch đầu tư xây dựng và phát triển phong trào.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Lộc Hà cho biết trước đây TP.Thủ Dầu Một có hẳn một nghị quyết về xóa đường đất trong nội ô thành phố, với con số dự toán trên 500 công trình và kinh phí cũng khoảng 500 tỷ đồng. Nhiều nhà thầu đã đồng ý giải pháp đầu tư, chuyển giao thanh toán chậm sau 6 tháng. Kết quả đến nay vẫn còn nợ. “Kinh nghiệm của chúng tôi là muốn có công trình đạt chuẩn, kết cấu bền vững. Trong điều kiện thiếu vốn thì phải phát triển từng bước, nhưng trước tiên phải có nền hạ rồi phân kỳ kế hoạch đầu tư sau đó để tránh “treo” hoặc nợ”, ông Hà nói.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương thành tích của các ngành và địa phương trong thực hiện phong trào xây dựng giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị; kết quả của chương trình đã góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. “Trước tình hình mới phong trào phải chuyển hướng bằng hình thái mới và phải được nâng lên trên tầm cao mới. Đó là gắn phong trào giao thông nông thôn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Chỉnh trang đô thị ở địa bàn đô thị phải dựa trên quy hoạch và phải có kế hoạch thực hiện với đầy đủ quy trình đối với công trình lớn. Với công trình nhỏ thì phải có ý kiến, thỏa thuận cụ thể với người dân để tránh “nói không đi đôi với làm”. UBND tỉnh đồng ý thực hiện phong trào bằng hình thức, phương thức phù hợp với từng công trình và địa phương dựa trên kế hoạch cụ thể có sự tham gia góp ý của nhân dân”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam khẳng định.
DUY CHÍ