Nâng tầm phát triển doanh nghiệp, đón vận hội mới
(BDO) Trong khó khăn thách thức do những biến động của tình hình thế giới, cộng đồng doanh nghiệp (DN) không thụ động gánh chịu mà xoay xở tìm cho mình những hướng đi mới, với kỳ vọng thiết lập được những giá trị mới, nâng tầm phát triển, đón vận hội mới.
Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội thảo chuyên đề “Giải phóng lãnh đạo”
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Tại hội thảo chuyên đề “Giải phóng lãnh đạo” do Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) tổ chức, Tiến sĩ Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân Pace, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED nêu ra những vấn đề mà DN rất quan tâm hiện nay là làm sao để lãnh đạo có thể thay đổi tư duy, mở rộng tầm nhìn và giải phóng chính mình trong bối cảnh biến động lớn liên tục xảy ra như hiện nay. Từ đó giúp DN liên tục phát triển bứt phá trong bối cảnh biến động không ngừng của thế giới.
Tiến sĩ Giản Tư Trung cho rằng trước hết DN phải xác định giá trị cốt lõi của mình đặt ra. Từ đó xây dựng nền tảng văn hóa DN, chiến lược kinh doanh và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên những nền tảng có được. “Kinh doanh là cách kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội với những sản phẩm, dịch vụ tốt lành” (định nghĩa của Tiến sĩ Giản Tư Trung). Từ định nghĩa này, các DN cần có chiến lược phát triển, xây dựng những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất đem đến cho xã hội. Muốn làm được điều đó DN phải thích ứng với cái mới, người lãnh đạo phải tự giải phóng mình và đưa DN phát triển, thích ứng lên tầm cao mới.
“Vấn đề mà các DN cần lưu ý là chiến lược kinh doanh chẳng là gì nếu như DN không có giá trị văn hóa cốt lõi của DN. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, văn hóa DN là một trong những vũ khí hữu hiệu giúp các DN không chỉ phát triển bền vững trên “sân nhà” mà còn vươn ra thị trường thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc của riêng mình. Văn hóa là tài sản vô hình của mỗi DN, quyết định mọi sự thành bại của DN. Nó không đơn thuần chỉ là văn hóa giao tiếp mà còn bao gồm cả giá trị cốt lõi, các quy tắc, phong cách quản lý, phương thức kinh doanh và hành vi, thái độ của mọi thành viên”, Tiến sĩ Giản Tư Trung khẳng định.
Giải thích sâu hơn, vị diễn giả này cho rằng trong khuynh hướng xã hội ngày nay, các nguồn lực của một DN là con người mà văn hóa DN là cái liên kết và nhân lên nhiều lần các giá trị của từng nguồn lực riêng lẻ. Nhà lãnh đạo phải xây dựng được giá trị cốt lõi, mục tiêu phát triển chung của DN và truyền bá để mọi nhân viên tin tưởng vào những giá trị chung đó. Những giá trị này cần được coi như là nguyên tắc hướng dẫn mọi hoạt động của tất cả nhân viên, phải ăn sâu vào tiềm thức của mọi nhân viên.
Trao đổi với chúng tôi tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty Nhật Nam (TX.Bến Cát), cho rằng việc xây dựng văn hóa DN trong giai đoạn liên tục thích ứng trong điều kiện hiện nay là rất chính xác. Công ty Nhật Nam đã chọn giá trị nhân bản làm giá trị cốt lõi của mình từ hành trình sau đại dịch Covid-19. “Không gì hơn giá trị con người. Ngay lúc khó khăn về đơn hàng như hiện tại, Nhật Nam vẫn lan tỏa văn hóa tôn trọng giá trị con người đến mọi nhân viên. Chúng tôi cùng nhau vượt khó. Chăm chút hơn cho những đơn hàng nhỏ lẻ để giữ chân khách hàng và để gây dựng những tình cảm dài lâu… Điều đó giúp chúng tôi vượt qua nhiều thách thức”, ông Nguyễn Minh Nhật cho biết.
Theo ông Nguyễn Minh Nhật, việc tuyển chọn nhân lực phải phù hợp với công ty, yêu cầu công việc. Nhân viên phải có kỹ năng, kiến thức phù hợp với tính chất công việc của công ty. Nhân viên phải có tính cách, giá trị đạo đức… phù hợp với giá trị chung của công ty. Nhân viên làm việc cho những công ty kinh doanh trực tuyến phải là người có kiến thức cơ bản về kinh doanh, tin học… độc lập, nhanh nhạy, có khả năng hợp tác.
Chính quyền kiến tạo, phục vụ nhân dân
Trả lời câu hỏi của ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương (Sở Công thương), rằng để thích ứng với tình hình mới, các ngành cần có hướng làm việc như thế nào để hỗ trợ tối đa cho DN? Tiến sĩ Giản Tư Trung cho rằng Bình Dương đã xây dựng chính quyền kiến tạo, làm tốt vai trò định hướng phát triển cho DN. Trong thời gian tới, Bình Dương cần phát huy tinh thần phục vụ, nếu “không thể thay đổi hướng gió nhưng có thể điều khiển cánh buồm”, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công thương, khẳng định sở luôn luôn bên cạnh, đồng hành cùng tất cả các hiệp hội ngành hàng; luôn có hoạt động hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa cho các DN hội viên thông qua các chương trình tập huấn - đào tạo nâng cao năng lực quản lý, khuyến công, xúc tiến thương mại, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn... Sở Công thương cũng luôn củng cố mối quan hệ gắn kết giữa chính quyền và cộng dồng DN nói chung, để thông qua đó kịp thời chuyển tải những thông tin quản lý, thông tin phản biện trong xây dựng chính sách và thực thi có hiệu quả những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
TIỂU MY