Nâng tầm nông thôn mới
Trong giai đoạn 2021- 2025, Bình Dương đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.
Nông thôn phát triển toàn diện
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay nhiều công trình hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Hiện toàn tỉnh có 38/38 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4/38 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 3 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt gần 90 triệu đồng/năm.
Sau khi đạt chuẩn xã NTM vào năm 2014, đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2021, xã Thạnh Hội, TP.Tân Uyên tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh chỉnh trang cơ sở hạ tầng, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu theo kế hoạch đã đề ra. Đến nay, xã Thạnh Hội đã giữ vững 19/19 tiêu chí NTM nâng cao và được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về giáo dục.
Theo lãnh đạo UBND xã Thạnh Hội, thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ. Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, xã Thạnh Hội đã huy động hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các công trình NTM...
Tương tự, ông Huỳnh Nguyễn Hải Triều, Chủ tịch UBND xã Phú An, TP.Bến Cát, cho biết xác định xây dựng NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, xã thực hiện các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Đến nay, bộ mặt nông thôn của xã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm ổn định.
Phấn khởi trước diện mạo nông thôn đổi mới, ông Lê Minh Sang, Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên), cho hay nhờ xây dựng NTM mà hệ thống điện, đường giao thông nông thôn được đầu tư bài bản đến tận ngõ hẻm, vừa giúp nông dân thuận lợi ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, vừa thuận lợi cho thương lái đến tận vườn cây để thu mua nông sản, giúp nông dân có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế gia đình.
Hướng đến nông thôn mới thông minh
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết chương trình xây dựng NTM có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị, đông đảo nhân dân, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia, tạo động lực cho kinh tế nông thôn phát triển. Qua đó đã làm thay đổi diện mạo nông thôn trong tỉnh. Để đạt được kết quả đó, trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; bên cạnh đó các địa phương xác định rõ cách làm, từng bước triển khai xây dựng NTM phù hợp với điều kiện thực tế...
Trong năm 2025, Bình Dương đề ra các giải pháp trọng tâm thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025”, hướng đến NTM kiểu mẫu, NTM thông minh. Theo đó, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị; rà soát, bổ sung hoàn thiện quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong 6 chuyên đề trọng tâm của Chương trình xây dựng NTM theo quy định của Trung ương và UBND tỉnh.
Cùng với đó, Bình Dương chú trọng nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và thực hiện tốt an sinh xã hội; tiếp tục triển khai thực hiện các hạng mục công trình Đề án thí điểm mô hình xây dựng “Làng thông minh” trong xây dựng NTM ở xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên; xã An Thái, huyện Phú Giáo hoàn thành các tiêu chí xã NTM thông minh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM thông minh.
Bình Dương cũng quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch tích hợp phương án quy hoạch vùng huyện, bảo đảm thực hiện các phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, phương án phát triển đô thị, tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn... theo đúng định hướng và tiềm năng của các địa phương; tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương. Trong đó ưu tiên triển khai các Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi số, hướng tới NTM thông minh...
Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện Bình Dương không nợ đọng vốn về xây dựng NTM. Cách làm của tỉnh là bố trí vốn xây dựng NTM lồng ghép. Tất cả các dự án xây dựng cơ bản trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đều được thẩm định nguồn vốn và thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục của Luật Đầu tư công. Cách làm này giúp các cấp chủ động trong quá trình chọn danh mục đầu tư, phối hợp triển khai nhiệm vụ nhanh hơn, có sự giám sát chặt chẽ của người dân... |
THOẠI PHƯƠNG