Nâng tầm kinh tế thương mại - dịch vụ

Thứ hai, ngày 30/01/2023

(BDO)  Bình Dương xác định ngành thương mại - dịch vụ (TM-DV) luôn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển chung. Cùng với những điều kiện, lợi thế của tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp (DN), Bình Dương tập trung khai thác, phát huy các nguồn lực để phát triển ngành thương mại một cách bền vững, hiệu quả.

 Các DN nỗ lực chia sẻ khó khăn, phát triển tiêu dùng nội địa. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại siêu thị Go Bình Dương những ngày sau Tết Nguyên đán 2023

 Xung lực mạnh

Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh ước đạt 269.440 tỷ đồng, tăng 16,8%. Đó là kết quả của việc thực hiện đồng bộ các chính sách kích cầu đầu tư, xây dựng sản phẩm mới, phát triển thị trường trọng điểm. Năm 2023, Bình Dương đặt ra chỉ tiêu tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15%. Để hoàn thành kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp chủ động thích ứng linh hoạt, đổi mới sáng tạo, hiệu quả với 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Với thị trường, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý; chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường, ưu tiên bảo đảm nguồn cung, cân đối cung - cầu, nhất là đối với hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm có nhu cầu tăng cao vào những tháng đầu năm 2023.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, năm 2023, với mức độ hội nhập và độ mở lớn, nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, ngành công thương phải tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp cụ thể, tích cực, hiệu quả để thực hiện đạt và vượt các mục tiêu đề ra trong năm. Song song đó, ngành tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai, niêm yết giá, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, minh bạch thông tin về giá các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát, ổn định tâm lý người tiêu dùng và DN.

Ông Võ Nhất Vũ, Giám đốc siêu thị Go Bình Dương, cho biết: “Năm 2023 siêu thị sẽ nỗ lực hết mình cho các mục tiêu đặt ra bằng cách đa dạng hóa các sản phẩm, liên kết với các đơn vị sản xuất hạ giá thành sản phẩm đến mức thấp nhất có thể để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, kích cầu, thu hút khách hàng. Chúng tôi kỳ vọng năm 2023 doanh thu sẽ tăng với việc bình ổn giá cả, tăng chất lượng hàng hóa và đa dạng hóa sản phẩm”.

Ghi nhận cho thấy, các DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn chủ yếu là DN nhỏ và vừa, việc liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị trong cộng đồng DN còn yếu. Sự phát triển của hạ tầng bán buôn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển của thị trường. Ngoài ra, cơ sở vật chất phục vụ kinh tế đêm còn hạn chế, chưa có tổ hợp giải trí quy mô, riêng biệt với khu dân cư, quy mô các dự án phục vụ kinh tế đêm còn nhỏ lẻ. Điều này đòi hỏi các DN, địa phương cần có định hướng phát triển xứng tầm, đưa TM-DV trở thành “cán cân” cân bằng trong cơ cấu kinh tế.

Tạo động lực lan tỏa

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết giai đoạn 2021-2025, Bình Dương tiếp tục xác định phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại trên cơ sở phát huy tổng hợp các nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia, tạo động lực để thúc đẩy phát triển. Trong đó, để cân bằng giữa TM-DV và công nghiệp, tỉnh tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu dịch vụ theo hướng nâng cao tỷ trọng của các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin để tác động lan tỏa tới các lĩnh vực khác.

Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, với điều kiện sẵn có cùng quyết tâm chuyển đổi số, Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ hành chính công đạt từ 50% trở lên; hạ tầng mạng internet băng rộng phủ trên 99% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%… Đây là nền tảng quan trọng để phát triển thương mại điện tử, bắt nhịp xu hướng công nghệ.

Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BD), cho biết thành phố sẽ trở thành điểm đến của các hoạt động thương mại và giao thương quốc tế, tạo động lực thúc đẩy việc thu hút và phát triển các khu công nghiệp xung quanh, trở thành điểm nhấn lan tỏa nhằm nâng cấp đô thị của Bình Dương. Trong năm 2023, WTC BD tiếp tục hỗ trợ các DN tổ chức các hoạt động kết nối thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt với các thị trường đầy tiềm năng của các đối tác mà hệ thống tổ chức thương mại thế giới đã kết nối theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương: Hiện tỉnh tiếp tục triển khai thủ tục đầu tư các khu công nghiệp đã được quy hoạch, trên địa bàn sẽ có 34 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại, tạo ra tiền đề cho ngành dịch vụ tăng tốc mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright: Với vai trò là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 sẽ là cơ hội để Bình Dương trở thành điểm đến của các DN và hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. 

 TIỂU MY