Nâng tầm công nghiệp hỗ trợ

Thứ tư, ngày 25/03/2020

(BDO)  Thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Bình Dương đã có bước phát triển và đạt được kết quả đáng ghi nhận trong một số lĩnh vực, đặc biệt là dệt may, cơ khí, thiết bị điện - điện tử… Qua đó, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm công nghiệp và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

 Dệt may là một trong những ngành rất cần nguyên phụ liệu trong nước để ổn định sản xuất, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Ảnh: XUÂN THI

 Hiện tại, cùng với cả nước, Bình Dương có 5 mặt hàng chủ lực trong sản xuất công nghiệp đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu cho sản xuất là: Giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, điện tử, máy móc thiết bị và phụ tùng. Theo Bộ Công thương, nguồn nguyên liệu trong nước cho những ngành hàng trên đáp ứng 30 - 60% (tùy theo đơn hàng), khi xảy ra dịch bệnh, doanh nghiệp (DN) có thể tìm thêm nguyên liệu trong nước và những nước khác. Nhưng trên thực tế, các nhà máy sản xuất CNHT cho những ngành trên cũng đang đối mặt với việc thiếu nguyên liệu thô và đang phải tất bật lo tìm nguồn cung từ những quốc gia khác để bù đắp, đặc biệt là khi các thị trường nhập khẩu nguyên liệu thô cho CNHT lớn nhất của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... xảy ra biến động, nguồn cung khan hiếm.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu của DN. Từ thời điểm diễn ra dịch bệnh, DN không nhập khẩu được nguồn hàng từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dây chuyền nên một số thị trường nhập khẩu của công ty như Đài Loan, Ấn Độ cũng không có hàng hóa để xuất khẩu cho công ty, vì các nước này cũng nhập khẩu nguyên liệu thép từ Trung Quốc để sản xuất thép cán nóng bán cho Hoa Sen.

Có thể thấy, CNHT có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển ngành công nghiệp, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính. Do đó, thời gian qua Bình Dương đã tập trung phát triển và hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụliệu cho các ngành như dệt may (công nghiệp sản xuất sợi, dệt vải, dây kéo, nhuộm, hoàn thiện sản phẩm dệt), cơ khí(sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từkim loại, sản xuất máy móc thiết bịvàphụtùng cho các ngành công nghiệp ô tô), điện - điện tử(sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất thiết bịdây dẫn điện, cáp quang)...

Để ưu tiên phát triển và nâng tầm ngành CNHT, Bình Dương cũng nghiên cứu và phát triển riêng một KCN tại huyện Bàu Bàng trên 1.000 ha, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào CNHT, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài. Hiện tỉnh đang xây dựng danh mục chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trên địa bàn trong danh mục có các dự án thuộc lĩnh vực CNHT.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, phát triển CNHT là xu hướng tất yếu, không chỉ phục vụ sản xuất công nghiệp của Bình Dương và cả nước mà còn hướng tới xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó tạo đà cho công nghiệp Bình Dương tăng tốc, phát triển bền vững trong giai đoạn mới. “Để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các DN phát triển CNHT, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do DN trong nước sản xuất. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm... Trong đó, chú trọng ưu tiên phát triển các ngành CNHT, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng CNHT; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh các dự án thuộc lĩnh vực CNHT”, ông Mai Hùng Dũng cho biết thêm.

 Theo Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Dương sẽ có 33 KCN với diện tích 14.790 ha. Đến nay, Bình Dương đã phát triển được 29 KCN và 12 cụm công nghiệp để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Hiện Bình Dương đã thu hút được hơn 2.300 DN sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực CNHT. Bình Dương đang nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho CNHT. Cụ thể, Sở Công thương đang triển khai đề án phát triển ngành CNHT nhằm tham mưu cho UBND tỉnh hoàn chỉnh, bổ sung cơ sở pháp lý, chương trình kích cầu đầu tư lĩnh vực CNHT tại địa phương. Trong đó, trọng tâm là xây dựng chương trình phát triển CNHT trên địa bàn Bình Dương đến năm 2025; xây dựng quy chế quản lý thực hiện chương trình phát triển CNHT; thực hiện các chương trình đào tạo, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý cho DN CNHT và đánh giá tỷ lệ nội địa hóa của 4 ngành công nghiệp trọng yếu.

 NGỌC THANH