Nâng mức hỗ trợ, mang xuân đến với mọi nhà
(BDO) Tăng chi hỗ trợ tết
Phiên họp đã thông qua phương án hỗ trợ chi Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Theo đề xuất của Sở Tài chính, tỉnh sẽ chi gần 271 tỷ đồng để chăm lo cho các đối tượng, tăng 129% so với Tết Nguyên đán năm 2022. Về cơ bản, tỉnh giữ nguyên mức chi hỗ trợ các đối tượng như năm 2022, mức tăng chi chủ yếu ở nhóm đối tượng công nhân lao động khó khăn, tăng từ 500.000 đồng lên 1 triệu đồng/trường hợp. Số lượng hỗ trợ cũng tăng thêm trên 25.000 suất so với năm 2022, dự kiến sẽ hỗ trợ khoảng 46.500 suất .
Ngoài ra, tỉnh cũng tăng mạnh mức chi đối với một số đối tượng chính sách, như: Mẹ Việt Nam anh hùng từ 4 triệu đồng lên 10 triệu đồng/suất; Anh hùng Lực lượng vũ trang từ 3 triệu đồng lên 7 triệu đồng/suất; gia đình có 2 liệt sĩ trở lên từ 2,5 triệu đồng lên 3 triệu đồng/suất. Cán bộ tiền khởi nghĩa từ 2 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng/định suất. Người thờ cúng Anh hùng Lực lượng vũ trang từ trần; người thờ cúng mẹ Việt Nam anh hùng; gia đình có công được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến (tính theo định suất); tuất từ trần thương bệnh binh, tuất cán bộ lão thành cách mạng, tuất cán bộ tiền khởi nghĩa, tuất chất độc hóa học: mức cũ 1,5 triệu đồng lên 2 triệu đồng/suất... Viên chức thuộc ngành giáo dục, y tế làm việc xa nhà, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không đủ điều kiện về quê ăn tết, mức cũ 500.000 đồng tăng lên 1 triệu đồng/người và một phần quà…
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận phiên họp
Phiên họp cũng đã xem xét 17 nội dung, gồm: Bảng giá tính thuế tài nguyên áp dụng năm 2023; báo cáo tiến độ xây dựng Quyết định quy định hệ số điều chỉnh giá đất (K) năm 2023; thủ tục gia hạn thời gian thuê nhà xưởng của các dự án sản xuất công nghiệp bên ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; kế hoạch tổ chức lễ công bố nền tảng số: Ứng dụng Bình Dương số phục vụ người dân và doanh nghiệp; giải quyết kinh phí tổ chức các kỳ thi, hoạt động thanh tra kiểm tra của ngành giáo dục và đào tạo; quyết định giao biên chế công chức, số lượng người làm việc và hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000 NĐ-CP; lộ trình giảm dần việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương năm 2023; Quy hoạch chung TP.Thuận An, kế hoạch phát triển Logistics đến năm 2025, tầm nhìn 2030...
Định hướng phát triển bền vững
Qua nội dung kiến nghị về lộ trình giảm dần sản xuất, sử dụng đất sét nung trên địa bàn tỉnh, ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, kiến nghị UBND tỉnh việc gia hạn theo lộ trình đến năm 2025 để các cơ sở di dời, chuyển đổi công năng gắn với các kế hoạch tại các địa phương. Riêng đối với 4 cơ sở gây ô nhiễm trong khu dân cư phải chấm dứt hoạt động theo kiến nghị của UBND TX.Tân Uyên.
UBND tỉnh cũng lấy ý kiến kế hoạch về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022-2030. Mục đích góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu kế hoạch hành động của tỉnh phải phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương trên tinh thần triển khai đầy đủ quan điểm, mục tiêu, định hướng của Chiến lược quốc gia, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Đề ra các bước cụ thể, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm của từng địa phương, từng cấp, từng ngành và xây dựng được những giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp; kết hợp hài hòa giữa giải quyết các vấn đề quan trọng, cấp bách với các vấn đề cơ bản, dài hạn để thực hiện các mục tiêu đề ra. Tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh. Rà soát các quy định của tỉnh nhằm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và lồng ghép các nội dung về tăng trưởng xanh vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại phiên họp, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương trình bày kế hoạch phát triển logistics đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và định hướng đến 2045. Cụ thể, giai đoạn 2022-2025: 100% trung tâm lớn sẽ đạt cấp độ trên mức 5PL (ELogistics - Logistics trên nền thương mại điện tử). Hình thành hệ thống các cảng trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Thị Tính kết nối với tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, gồm cảng An Sơn, cảng An Tây, cảng An Điền; nâng cấp cảng Bình Dương đáp ứng tiêu chuẩn cảng container cửa khẩu quốc tế.
Đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm vệ tinh của khu vực Đông Nam bộ, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp; hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài. Phát triển mới các trung tâm logistics, cảng cạn ICD hiện đại, chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong khu vực, gồm: ICD Bàu Bàng, ICD Hòa Phú, ICD Vĩnh Tân, ICD An Điền, ICD Thạnh Phước. Đến năm 2045, dịch vụ logistics trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
TIỂU MY