Nâng mức cho vay tạo việc làm tăng thu nhập, chống tái nghèo

Thứ năm, ngày 14/11/2019

(BDO)

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Dương cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại điểm giao dịch phường Chánh Mỹ (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: T.VY

- Thưa ông, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ- CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm theo hướng nâng mức vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm. Xin ông cho biết đối tượng nào được vay vốn hỗ trợ việc làm?

- Ngày 23-9-2019 Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61 nhưng đối tượng vay vốn không thay đổi so với Nghị định 61. Theo đó, đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm vẫn gồm các đối tượng như sau: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (sau đây gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh) và người lao động.

- Thưa ông, mức cho vay, điều kiện, thời hạn vay vốn và lãi suất cho đối tượng vừa nêu trên được quy định như thế nào?

- Về mức cho vay cơ sở sản xuất, kinh doanh tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho một người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng.

Mức vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.

Điều kiện vay vốn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh được thành lập và hoạt động hợp pháp; có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, duy trì hoặc thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định; dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án; có bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật (nếu có).

Đối với người lao động có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án; cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 74/2019/ NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ- CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm có hiệu lực từ ngày 8-11-2019. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Dương đang triển khai để đối tượng được vay vốn tiếp cận nhanh chóng nguồn vốn vay ưu đãi này. Đây được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện, đáp ứng về ngồn vốn của người dân để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng. Thời hạn cho vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.

Lãi suất cho vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; người lao động bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo (hiện nay là 7,92%/năm).

Riêng đối với các trường hợp sau đây được vay với mức lãi suất bằng 50% lãi suất nêu trên: Người lao động là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số.

- Nghị định số 74/2019/ NĐ-CP quy định về điều kiện bảo đảm tiền vay đối với đối tượng vay vốn ưu đãi này có gì khác so với những quy định trước, thưa ông?

- Do mức cho vay nâng lên nên mức vay phải bảo đảm tiền vay cũng được nâng lên. Cụ thể người lao động không phải bảo đảm tiền vay kể cả khi vay mức tối đa 100 triệu đồng, còn cơ sở sản xuất, kinh doanh vay từ 100 triệu đồng trở lên phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm và các quy định hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội.

- Thưa ông, hiện Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Dương đã triển khai Nghị định số 74 như thế nào để người dân biết, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này?

- Sau khi Nghị định 74 có hiệu lực, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Dương được Trung ương giao bổ sung 200 tỷ đồng để cho vay giải quyết việc làm từ nay đến cuối năm. Để triển khai thực hiện tốt Nghị định 74, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Dương đã báo cáo, tham mưu Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị giao vốn cho các huyện, thị, thành phố; đồng thời, tổ chức tuyên truyền để cho người dân được biết và tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này bằng nhiều hình thức, như: Công khai chính sách, thủ tục vay vốn tại các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn, hệ thống phát thanh cấp xã và tổ chức tập huấn cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn.

Về việc chuẩn bị nguồn vốn cho vay trong năm 2020: Chi nhánh đã rà soát, tham mưu Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương, UBND tỉnh bổ sung 330 tỷ đồng. Trong đó, vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương huy động 200 tỷ đồng, vốn nhận ủy thác địa phương 130 tỷ đồng.

Đối với người dân có nhu cầu vay vốn có thể liên hệ trực tiếp với ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn; ban điều hành khu phố, ấp; các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để được bình xét cho vay.

- Xin cảm ơn ông!

Qua hơn 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đến nay đã có 185.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Dương. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách này đã góp phần giúp gần 45.500 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 27.000 lao động; giúp cho 48.200 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 203.800 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ vốn vay để xây dựng trên 840 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách...

TƯỜNG VY