Nâng mức cảnh báo về phòng chống bệnh do vi rút Zika tại Việt Nam
(BDO)
Điều đó đã được Bộ Y tế đưa ra vào ngày 22-3 sau khi Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Việt Nam nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tại Úc đã xác định một trường hợp nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam.
Theo đó, trường hợp này đã đến Việt Nam từ ngày 26- 2-2016, xuất cảnh về Úc ngày 6-3-2016. Đến ngày 8-3-2016, người này có những triệu chứng nhiễm vi rút Zika như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn. Trong thời gian ở Việt Nam, trường hợp này đã đi đến TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận.
Ngay sau khi nhận được thông tin từ WHO, Bộ Y tế đã thành lập đoàn công tác đến các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận để trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, xác minh và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika. Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo ngành y tế nâng mức cảnh báo đối với phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika tại Việt Nam và yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có triệu chứng tương tự như nhiễm vi rút Zika tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng do có thể có trường hợp nhiễm vi rút có biểu hiện nhẹ, vừa hoặc không có triệu chứng; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hướng dẫn người dân tự diệt muỗi, bọ gậy để phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết (SXH).
Các vật phế thải là nơi chứa lăng quăng, muỗi sinh sản cần được loại bỏ thường xuyên để phòng bệnh do vi rút Zika và SXH
Để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống vi rút Zika và giám sát, xác minh sự lưu hành vi rút Zika tại Việt Nam, trước đó, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang hỗ trợ các địa phương nơi trường hợp người Úc này đã từng đến tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm xác định; sẵn sàng thuốc, vật tư, sinh phẩm để bảo đảm việc giám sát, xử lý kịp thời khi phát hiện ổ dịch Zika.
Theo thông báo của WHO, đến ngày 23-4, trên thế giới đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika, trong đó có một số quốc gia khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia... cũng ghi nhận những trường hợp người nước ngoài nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ các nước này và được coi như là nước có sự lưu hành vi rút Zika. Theo Bộ Y tế, mặc dù trên cả nước chưa có trường hợp nào dương tính với vi rút Zika, song khả năng vi rút Zika xâm nhập và lưu hành tại nước ta là hoàn toàn có thể. Do đó, để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, người dân cần thực hiện theo các biện pháp phòng bệnh mà Bộ Y tế khuyến cáo: Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika khi không cần thiết; người đi/ đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị...
Tại Bình Dương, ngành y tế cũng nhận định, tình hình dịch bệnh do vi rút Zika trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika luôn được ngành y tế đặt trong tư thế sẵn sàng. Thực hiện Chỉ thị số 05/ CT-BYT ngày 16-3-2016 của Bộ Y tế về việc tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng và triển khai công tác phòng, chống bệnh do vi rút Zika, SXH và Công văn 1396/BYT-DP ngày 16-3-2016 của Bộ Y tế về việc tổ chức phòng, chống Zika và SXH, ngày 23-3, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Bệnh viện Đa khoa Cao su Dầu Tiếng và các cơ sở y tế ngoài công lập về việc tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do vi rút Zika, SXH và tay chân miệng (TCM). Theo đó, sở đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khẩn trương tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH, bệnh do vi rút Zika và TCM năm 2016; đồng thời hướng dẫn các đơn vị xây dựng và triển khai chiến dịch tại địa phương; cung cấp tài liệu truyền thông cho các đơn vị. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông về chiến dịch, vận động người dân tự diệt muỗi, lăng quang để phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, SXH, TCM. Các đơn vị cần tăng cường giám sát các ổ dịch cũ và mới phát sinh, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện, sẵn sàng xử lý ổ dịch triệt để, không để dịch lây lan rộng. Riêng các cơ sở khám chữa bệnh, sở yêu cầu chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, thuốc, dịch truyền, sẵn sàng thu dung, chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả các trường hợp bệnh đến khám và nhập viện, đồng thời hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.
Bệnh do vi rút Zika là bệnh lây truyền do muỗi đốt. Vì thế, người dân cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh cho bản thân và gia đình bằng cách thực hiện ngủ mùng, mặc quần áo dài tay và diệt lăng quăng, diệt muỗi thường xuyên để muỗi không còn nơi sinh sản, phát triển.
HỒNG THUẬN