Nặng gánh mưu sinh
(BDO) Nắng quá mà phải rong ruổi khắp nơi có vất vả lắm không chị? Trả lời câu hỏi của chúng tôi là nụ cười tươi trên môi chị Cứ: “Càng nắng những người bán hàng rong như chúng tôi càng mừng chứ mưa là khó khăn! Cũng nhờ thời tiết trong Nam nắng nóng quanh năm nên chúng tôi mới vào đây mưu sinh”. Chị ấy cười nhưng nghe ra cả một nỗi niềm...
Rong ruổi khắp tỉnh cùng xe buýt
Nhiều năm trở lại đây, Bình Dương như là một vùng đất “hứa hẹn thoát nghèo” để lao động lớn tuổi ở các miền quê khác đến mưu sinh. Không còn ở độ tuổi được tuyển chọn vào làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp, họ buôn bán nhỏ lẻ để kiếm sống, nuôi con ăn học thành tài. Họ đi để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, có điều kiện để lo cho gia đình ở quê. Bởi như họ nói, ở đây cơ hội kiếm được việc làm cũng nhiều hơn ngoài quê. Ruộng vườn thì nhà có vài sào nhưng một mùa mưa lụt, một mùa nắng cháy. Làm mãi mà cái nghèo vẫn đeo bám nên đành chấp nhận sống xa quê. Vất vả nhiều lắm nhưng dù sao cũng kiếm được tiền lo cho cả nhà sinh sống.
Tôi bỏ buổi sáng chạy bộ để lên xe buýt cùng với họ. Đó là do một lần tôi quan sát, trong khi những người dân sáng ra tập thể dục ở các công viên, hoa viên của TP.Thủ Dầu Một thì “đội quân gánh hàng rong” cũng bắt đầu một ngày mưu sinh. Mỗi ngày, khoảng sau 5 giờ sáng, khi mọi người còn đang đi bộ tập thể dục, chuyện trò rôm rả theo từng nhóm thì ở các con đường Cách Mạng Tháng Tám, 30-4 (đoạn gần Bến xe Bình Dương) đã có hàng chục người trên vai nặng gánh chờ đón xe buýt. Có người còn ngái ngủ, tỏ ra mệt mỏi nhưng họ phải làm việc.
Cả nhà sống nhờ vào gánh hàng rong
Xe buýt đi hướng TX.Tân Uyên, Bắc Tân Uyên hôm đó đón 8 chị bán hàng rong. Đó là một “gian hàng di động” vô cùng phong phú hàng hóa từ ví tiền, kính râm, kim chỉ, đồng hồ, đồ chơi trẻ em, bật lửa... Nhiều nhất vẫn là đồ chơi trẻ em để các chị bán ở trước cổng trường, công viên các huyện, thị nơi họ đến. Mỗi gánh nặng gần 20kg sẽ được họ vác đi cả ngày như thế. Tiền vốn cho mỗi gánh hàng rong tùy thuộc vào người nào vào nghề sớm hay muộn mà dao động từ 6 đến 10 triệu đồng. “Có người... nặng vốn thì hàng của họ gần 15 triệu lận đó. Bởi chất lượng hàng hóa tùy theo số tiền mà. Cũng là cái... gãi lưng nhưng có cái chỉ 5.000 đồng, có cái 20.000 đồng lận à”, một chị giải thích cho tôi khi bày hàng bán vội vài món mà tôi hỏi mua ngay trên xe buýt.
Một số chị tranh thủ ngủ thiếp đi trên xe được chút nào hay chút đó. Một số chị ngại nhìn khi thấy tôi cứ hỏi hết chuyện này đến chuyện khác. Nhưng sau một lúc, khi sự nghi ngờ qua đi thì họ nói về việc mưu sinh bấp bênh, vất vả của mình nơi đất khách quê người. Chị Nguyễn Thị Cứ, quê Thanh Hóa khoảng độ 50 tuổi nhưng nhìn chị trông già hơn tuổi bởi bao lo toan, nhọc nhằn hằn trên gương mặt tâm sự: “Mỗi sáng mai thức dậy là thấy người yếu lắm rồi, nhưng vẫn phải cố gắng để đi làm. Vài ngày lại gom tiền gửi cho đứa con đang là sinh viên năm 3 ở TP.Hồ Chí Minh”. Chị nói con chị cũng đi làm thêm, thằng bé rất ngoan và nói mẹ kiếm việc gì đỡ nhọc hơn nhưng biết làm gì khi vốn liếng còm cõi. Ngày con chị đậu đại học, chị cũng “chia tay” với việc đồng áng để theo con vào Nam mưu sinh. Chồng chị cũng một gánh như vợ vậy nhưng anh thường đi hướng Mỹ Phước, TX.Bến Cát để bán. Cả hai vợ chồng chịu thương chịu khó chắt chiu cho con ăn học và gửi tiền về quê phụ giúp gia đình. “Ruộng lúa ít, năng suất không cao nên lao động chính ở địa phương đã nhiều người vào Nam lao động kiếm sống”, chị Cứ chia sẻ.
Chị Lê Thị Vân, 37 tuổi, cũng quê ở Thanh Hóa, cho biết họ rời gia đình đi làm để mong muốn con cái được học hành đến nơi đến chốn, thay đổi cuộc đời. Năm nay, con trai đầu của chị Vân thi vào đại học và chị cũng làm cật lực lo cho con, gửi về quê cho đứa nhỏ đang ở với bà ngoại. Chồng chị cũng xa quê mưu sinh phụ vợ. Câu chuyện bị cắt ngang khi một số chị phải xuống xe rải rác ở các trạm để rong ruổi vào các xã, phường của TX.Tân Uyên. Có hai chị xuống bến xe buýt ở xã Hội Nghĩa. Tôi xuống xe theo và mời họ ăn sáng ở một quán nhỏ ven đường. Câu chuyện về cuộc đời của những người đàn bà nhọc nhằn mưu sinh, của tuổi thanh xuân chưa bao giờ được sống cho mình, cho nhu cầu của bản thân được họ kể lại nghe thật buồn. Họ cũng có không biết bao nhiêu cái tết nơi đất khách bởi phải tiết kiệm đến tối đa những đồng tiền kiếm được. Họ sống xa nhà với bao nỗi niềm thương con, nhớ cha mẹ, họ hàng, làng nước cũng chỉ mong cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn mà thôi.
Tình người nơi đất khách
Trong số những người lớn tuổi mưu sinh ở Bình Dương hiện nay còn có nhiều người đi theo con. Theo số liệu của Liên đoàn Lao động tỉnh, đầu năm 2019, do mở rộng sản xuất, có 345 doanh nghiệp thông báo tuyển mới hơn 47.500 lao động. Lao động phổ thông được tuyển nhiều ở Khu công nghiệp VSIP, Đại Đăng, Đồng An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên… Cùng với số lao động đến Bình Dương lập nghiệp có những người làm ba mẹ nay lên chức ông bà. Sau một thời gian chăm cháu, họ cũng xin đi phụ quán ăn, giúp việc nhà theo giờ, chăm sóc người bệnh... để kiếm thêm thu nhập lo cho cuộc sống. |
Đi bộ cùng chị Cứ một đoạn đường tấp nập người qua lại tại trung tâm xã Hội Nghĩa, tôi bỗng vui lây với chị khi có một người khách tìm tới mua hàng cho chị. Người khách mua một vài thứ vật dụng cho gia đình từ cái bấm móng tay đến cái vĩ đập ruồi. Chị Cứ dựng gánh hàng rong của mình ngay vỉa hè để bán hàng. Xong lại vội vã rảo bước đi về hướng các xưởng, nhà máy đông công nhân đang vào ca. Các chị hẹn gặp nhau ở một quán cơm bụi để ăn trưa rồi... đường ai nấy đi bán hàng! Một số khách mua tốt bụng không lấy lại tiền thừa coi như hôm đó các chị đỡ lo một phần tiền ăn trưa, tiền xe buýt. Nhiều người dân ở Bình Dương khi mua hàng thường tặng thêm một ít tiền giúp các chị đỡ vất vả. Cũng trong ngày thử rong ruổi cùng các chị Cứ, chị Vân, tôi còn gặp nhiều mảnh đời nhọc nhằn mưu sinh như bán trà bí đao, cà phê mang đi ở vỉa hè, khoai, bắp nướng, trái cây, rau củ quả... Họ đến từ đủ các vùng miền và Bình Dương là nơi họ chọn để kiếm sống trong nhiều năm qua.
Nhóm của chị Vân, chị Cứ cùng chồng và nhiều người bà con nữa có khoảng hơn 50 người sống tại một khu nhà trọ ở khu phố 5, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một. Đa phần họ đến từ Thanh Hóa và Quảng Ngãi. Các chị không có chồng theo buôn bán cùng đã thuê phòng sống chung 4 - 5 người/phòng cho đỡ tiền thuê nhà. Chủ nhà cũng là người tốt bụng và thường giúp đỡ những người lao động xa quê này. Nhiều nhóm thiện nguyện của TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương tìm đến giúp đỡ họ trong các dịp lễ tết để họ có thêm chút quà gửi về quê.
Chị Vân cho biết chi phí mỗi ngày ít nhất cũng hơn 100.000 đồng. Trong đó có 40.000 đồng tiền vé xe buýt 2 chuyến đi và về. Ăn sáng, ăn trưa, nước uống dọc đường hết 50.000 đồng cho cả ngày rong ruổi. Buổi tối họ nấu ăn cùng nhau cho đỡ tốn kém cũng phải tốn trên 10.000 đồng nữa. Tiền phòng trọ chia nhau hơn 100.000 đồng/người/ tháng. Ngày nào không kiếm lời được 150.000 đồng, coi những hôm đó lỗ vốn. Có ngày rong ruổi khắp nơi nhưng chỉ bán được vài chục ngàn đồng. Những lần như thế, bà con phải cưu mang nhau mà sống. Chuyện vay - trả tiền như cơm bữa ở xóm trọ nghèo này. Khi trong nhà ai hữu sự hay con cần tiền đóng học phí, cả nhóm lại gom góp cho mượn rồi đến khi cần, lấy lại sau. Cùng hoàn cảnh xa quê nên họ cưu mang nhau, coi nhau như người thân trong một gia đình.
“Người Bình Dương tốt bụng lắm em. Có khi quá bữa, lỡ bước, tụi chị ghé chùa hay nhà thờ, bệnh viện vừa bán hàng vừa ăn cơm từ thiện. Các thầy, các bác cũng nói đến bữa cứ đến ăn, đừng ngại gì hết nhưng mình còn sức khỏe, còn làm đã, ha em!”. Chia tay các chị, tôi cứ nhớ mãi những lời nói nghe ra như một lời tri ân của những người xa quê làm ăn. Tảo tần, chất phác và tự trọng, những người dân lao động này vẫn miệt mài ngày đêm bằng công sức của mình để vươn lên!
QUỲNH NHƯ