Nặng gánh mưu sinh…
Vì hoàn cảnh
Gần 12 giờ trưa, cái nắng tháng 11 như gay gắt, oi bức hơn, người đi đường phải nhíu mày, vội vả. Thế nhưng, bên đống rác bốc mùi hôi nồng nặc ven đường Lê Hồng Phong, đoạn thuộc phường Phú Hòa (TP.TDM) chúng tôi vẫn thấy một người đàn ông đang móc rác, tìm kiếm ve chai. Ông tên là Huỳnh Văn Ba, quê ở Trà Vinh. Năm nay, ông Ba mới bước qua tuổi 61, nhưng có lẽ do cuộc sống cơ cực nên thoạt nhìn như tuổi 70. “Mình nghèo, làm lụng cực khổ, ăn uống lại không đủ nên trông già vậy đó” - ông cười nói.
Bà Dòn cần mẫn với công việc thường ngày
Dáng người nhỏ thó, gương mặt đen nhẻm vì nắng gió. Lúc nào đi móc rác ông cũng mang chiếc quần cọc, khoác cái áo bạc màu không cài khuy. Dưới góc cây bên đường ông châm điếu thuốc và kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình. Do hoàn cảnh khó khăn, khoảng 10 năm trước, ông cùng vợ con về Bình Dương tìm kế sinh nhai. Những ngày đầu, ông đi làm phụ hồ. Mấy năm gần đây, do sức khỏe yếu, ông chuyển sang đi móc rác.
Chúng tôi hỏi ông, đi móc rác nhưng không đeo khẩu trang gì hết, có sợ ảnh hưởng đến sức khỏe không? Ông trả lời: “Làm lâu rồi cũng quen mùi thôi cô ạ. Nhờ trời thương, cả tui với bả làm nghề này, ăn uống thì thiếu thốn nhưng không thấy bệnh tật gì hết…”. Mà thật, với ông Ba cứ chỗ nào có rác là có ông ở đó. Nhiều năm qua, những đống rác trên đường Lê Hồng Phong (đoạn từ phường Phú Hòa đến ngã tư Địa Chất) là nơi ông tìm kế sinh nhai. Những mớ giấy vụn, những chai nhựa hay những bịch cơm dư thừa người ta bỏ đi đều được ông lượm lại. Giấy vụn, chai nhựa ông để dành bán lại cho vựa ve chai. Cơm thừa ông gom lại mang ra chợ Bình Điềm bán cho mấy người nuôi gà, nuôi vịt… Tất cả rác với ông đều “biến” thành tiền, dù số tiền đó chỉ vài ba ngàn đồng. Thế nên, ông “chung sống” gần gũi với nó mà “không nghe hôi hám gì”.
Một ngày trôi qua với cô Nhẫn với những công việc có ích
Chiếc xe đạp cà tàng cũng già như chủ nhân của nó là phương tiện giá trị nhất của ông Ba. Hàng ngày, chiếc xe cùng ông rong ruổi đi móc rác trên đoạn đường quen thuộc. Ông Ba cho biết, ông và vợ đang ở trọ tại khu phố 8, phường Phú Hòa. Cả hai vợ chồng đều làm nghề móc rác. Già rồi nên hai vợ chồng đi móc cả tuần mới bán một lần. Mỗi lần bán được khoảng 400.000 đồng. Trong khi đó, tiền thuê nhà trọ đã ngốn hết 600.000 đồng/tháng. Vợ chồng ông có đến 8 người con, hầu như đều có vợ chồng nhưng ai cũng khó khăn nên không giúp đỡ được gì cho ông bà. Chỉ còn người con trai út chưa có gia đình nên ở với ông bà và cũng đang đi làm thuê chỉ đủ ăn. Vậy nên bước đường mưu sinh của ông bà vẫn chưa ngừng lại được…
Không muốn là gánh nặng
Những khu nhà trọ công nhân và người dân sống trong những con hẻm ở gần khu vực chợ Bình Điềm (phường Phú Hòa, TP.TDM) hầu như đã quen với hình ảnh một bà già lúc nào cũng gánh rau đi bán dạo. Rau của bà không tươi mới như người khác, nhưng nhiều người vẫn chọn mua không chỉ vì “thấy thương bà già” mà còn bởi “rau bà bán đều lấy của bà con dưới bưng lên nên không phun thuốc gì”. Tôi cũng rất hay mua rau của bà, mỗi lần ghé mua bà thường hỏi han chuyện trò rất cởi mở và còn hướng dẫn cách chế biến món ăn từ các loại rau bà bán.
Bà tên Lê Thị Dòn, 75 tuổi. Hiện bà đang ở với gia đình người con trai út tại khu phố Hòa Thạnh, phường An Thạnh, TX.Thuận An. Bà cho biết: “Đã quen tay quen chân với công việc này từ hồi trẻ, nên giờ mà kêu tui ở nhà thì buồn lắm. Lúc trước, tui có sạp bán trong chợ, nhưng mấy đứa con sợ tui vất vả nên động viên nghỉ ở nhà. Vậy mà, nghỉ được vài bữa là tui nhớ, rồi…”. Bà Dòn có 4 người con, 2 trai, 2 gái. Bây giờ, bà đã có thêm 5 cháu ngoại, 5 cháu nội và 6 cháu cố, thế nhưng bà vẫn chưa muốn nghỉ ngơi. Bà bảo, đi bán vậy không chỉ vui, mà còn có đồng vào đồng ra, không phải làm phiền con cháu. Bà chia sẻ: “Mình còn sức thì đi bán kiếm thêm chút tiền cho vui. Mỗi khi bà con lối xóm mời đám tiệc cũng không phải xin con cái…”.
Từ khu phố Hòa Thạnh lên chợ Bình Điềm cũng hơn 5km, vậy mà sáng nào bà Dòn cũng gánh một gánh đầy rau trái đi bán. Bà bảo, trung bình mỗi lần bà gánh từ 30 - 40kg. Hàng hóa của bà bán ngoài các loại như bí, bầu, rau lang, cải… còn có ổi, dưa chuột, xoài, thơm, chuối… Đôi khi bà còn lấy thêm chục bánh ú, chục bánh tét nhân chuối, vài bịch thạch dừa, sương sâm, vài hộp xôi ngọt… Tất cả, đều được bà xếp lên đôi quang gánh và đi khắp các ngõ hẻm để bán cho bà con có nhu cầu. Trung bình một ngày bà kiếm được khoảng 60.000 - 70.000 đồng tiền lời. Nhiều ngày bán ế, bà phải bán đến 21 - 22 giờ mới lọm khọm về tận nhà. Vậy mà, nghỉ mấy bữa là có người hỏi thăm liền. Bởi thế, hôm nào không đi bán được là bà lại thấy nhớ trong người. Bà Dòn cho biết: “Tiền lời cũng chỉ đủ để đi đám tiệc, lâu lâu mua cho con bịch cà phê, gói thuốc thôi. Vậy mà vui đó cô. Vui vì mình vẫn còn làm được việc và bớt đi cho con cháu một phần gánh vác…”.
Giống như bà Dòn, cô Nguyễn Thị Nhẫn ở ấp Tây B, phường Đông Hòa (TX.Dĩ An) cũng không muốn tăng thêm gánh nặng cho con cái nên vẫn thường “thức khuya, dậy sớm” để làm bánh đi bán. Ngoài các loại bánh, như: da lợn, khoai mì nướng, đậu xanh nướng, xu xê… cô Nhẫn còn làm cơm rượu, chè đậu đen, bột báng viên. Bởi vậy, có hôm cô Nhẫn phải thức đến 1 giờ khuya mới làm xong. Sáng cô lại phải thức dậy sớm hấp bánh để 6 giờ có bánh mang ra chợ gần nhà bán. Bán xong về nhà lo cơm nước cho chồng và bắt tay vào làm bánh. Cứ thế, một ngày trôi qua với cô trong công việc. Cô Nhẫn tâm sự: “Con cái đều lớn và có gia đình riêng hết rồi, giờ chỉ có hai vợ chồng già ở với nhau. Làm thì mệt, nhưng được cái là mình có thể tự chủ về kinh tế. Con cái làm lụng cũng cực khổ, nên mình làm thêm để phụ với con. Mình còn khỏe, ngồi không cảm thấy buồn nên làm được việc gì hay việc đó…”.
Hình ảnh, những người già mưu sinh vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống thường ngày. Dù tuổi ngày càng cao, nhưng họ vẫn sống có ích với đời bằng những công việc đời thường rất đáng trân trọng...
HỒNG THUẬN