Nâng chất nông thôn mới
(BDO) Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đang thực sự là phong trào được hưởng ứng tích cực và sâu rộng trong cả nước. Nhiều địa phương đã cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, linh động ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển nhanh chóng, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống về vật chất và tinh thần các tầng lớp dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt.
Có được kết quả đó là do sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Công tác triển khai của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; công tác tuyên truyền, vận động đã đi vào thực chất, tạo sự đồng thuận của người dân và cộng đồng. Có một điều phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM khi mới khởi đầu còn có những điểm không phù hợp; nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho chương trình còn chưa bảo đảm; có địa phương quá nóng vội, gấp gáp trong triển khai thực hiện dẫn đến nợ đọng lớn; một số địa phương chưa chủ động, còn lúng túng trong việc triển khai xây dựng đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình.
Từ thực tế việc triển khai thực hiện chương trình, nhiều bài học kinh nghiệm quý đã được rút ra, như: Ở đâu có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể thì ở đó phong trào có hiệu quả rõ rệt. Ở đâu có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, phương thức huy động các nguồn lực phù hợp thì ở đó sớm thực hiện đạt các tiêu chí.
Có thể nói, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước cần hết sức quan tâm đến việc huy động các nguồn lực xã hội; hỗ trợ người dân về vốn cho đầu tư phát triển sản xuất; có các cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp về đầu tư vào nông nghiệp nông thôn cũng như đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất xuất, qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu lao động theo hướng ngày càng hiệu quả và tích cực hơn.
Trong năm 2019, Bình Dương tiếp tục đặc biệt quan tâm và đầu tư nguồn lực để tạo bước đột phá mới nhằm nâng chất trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM; cụ thể phấn đấu có từ 5 - 7 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu; đến năm 2020, 100% xã đạt tiêu chí NTM như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Đích đến không còn xa, nhưng vấn đề là cần nỗ lực để nâng chất NTM.
NHẬT HUY