Nâng chất ngành thương mại - dịch vụ

Thứ ba, ngày 17/12/2019

(BDO)  Những năm qua, ngành thương mại - dịch vụ (TMDV) của tỉnh có tốc độ phát triển nhanh. Hiện lĩnh vực này được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển mạnh.

 Tiềm năng lớn

Bình Dương hiện là một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước, có tính kết nối cao với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đặc biệt là với TP.Hồ Chí Minh. Những năm qua, ngành TMDV của tỉnh có tốc độ phát triển nhanh và còn nhiều tiềm năng khai thác khi công nghiệp tiếp tục khởi sắc.

 Khách hàng mua sắm tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Dương Canary. Ảnh: XUÂN THI

Riêng trong năm 2019, hoạt động thương mại nội địa trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định; hàng hóa phục vụ dồi dào, phong phú về mẫu mã, chủng loại, hàng nội địa chiếm ưu thế trên thị trường. Giá cả các mặt hàng thiết yếu trên thị trường tỉnh ổn định, không tăng giá, góp phần kiềm chế lạm phát, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh ước thực hiện 227.805 tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm trước, đạt 101% kế hoạch năm. Đến nay, nhiều thương hiệu bán lẻ hàng đầu trong và ngoài nước đã có mặt tại Bình Dương như MM Mega Market, Aeon Mall, Lotte Mart, Saigon Co.op, Big C… Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều khách sạn 5 sao, sân golf chuẩn quốc tế.

Ông Ngô Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), cho biết thực tiễn cho thấy, nơi nào phát triển nhanh công nghiệp, thu hút nhiều lao động đến làm việc thì nhu cầu về TMDV để phục vụ ăn ở, mua sắm, vui chơi giải trí ở đó sẽ phát triển. KSB chọn huyện Bắc Tân Uyên để đầu tư Khu công nghiệp Đất Cuốc, góp phần phát triển ngành công nghiệp tỉnh nhà.

Có thể thấy, với sự nỗ lực của các ngành chức năng, sự liên kết phối hợp chặt chẽ giữa các hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh thông qua cung cấp dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau trong thời gian qua đã làm tăng giá trị gia tăng sản phẩm. Đây là cơ sở quan trọng đóng góp vào sự nghiệp phát triển công nghiệp tỉnh nhà theo hướng bền vững.

Chú trọng TMDV chất lượng cao

Cùng với việc thu hút công nghệ cao và sản xuất tiên tiến, thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực TMDV chất lượng cao. Trong năm 2020, tỉnh phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,9% so với năm 2019.

Để đạt được mục tiêu này, một trong những giải pháp trọng tâm là tỉnh đẩy mạnh phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ logistics; phát triển mạnh thương mại điện tử gắn với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng làm tốt công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng...

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Dương đang gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao. Các ngành dịch vụ của tỉnh phát triển theo hướng nâng tỷ trọng dịch vụ cao cấp, giá trị gia tăng cao, vận tải kho bãi, du lịch, tài chính - ngân hàng...

Mới đây, Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới (WTCA) đã chấp thuận Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC) là thành thành viên chính thức của tổ chức này. Mục tiêu của việc hình thành và phát triển trung tâm này là kết nối và giúp các doanh nghiệp địa phương phát triển giao thương quốc tế, phát triển Bình Dương trở thành một khu vực năng động có đa dạng dịch vụ chuyên nghiệp, phát triển nhân lực có khả năng phát triển thương mại toàn cầu và tăng sức hút cho các dự án bất động sản trong khu vực.

WTC BDNC có vai trò hỗ trợ hoạt động dịch vụ thương mại quốc tế tại Bình Dương và các khu vực lân cận, tổng hợp các nguồn lực trong và ngoài nước như trung tâm triển lãm và hội nghị quốc tế, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại mua sắm, tổ hợp nhà hàng - khách sạn. Cơ sở dịch vụ thương mại quốc tế tại trung tâm gồm dịch vụ tổ chức hội chợ quốc tế, dịch vụ tổ chức hội nghị quốc tế, dịch vụ kết nối doanh nghiệp thương mại, dịch vụ kết nối phái đoàn thương mại…

Trong định hướng ngành nghề, dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh đề xuất tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại đã được quy hoạch. Cùng với đó, thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn mang tính kết nối vùng, các dự án sản xuất công nghiệp

 TIỂU MY