Nâng chất ngành nông nghiệp Bình Dương - Kỳ 1

Thứ ba, ngày 13/11/2018

Kỳ 1: Phát triển đúng hướng

(BDO)

Thực hiện Chương trình 26 của Tỉnh ủy về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến và Đề án “Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016- 2020”, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả tốt.

Mô hình trồng rau thủy canh của một cơ sở trong tỉnh được giới thiệu tại Hội nghị Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) năm 2018 được tổ chức tại Bình Dương vừa qua. Ảnh: TIỂU MY

 

 “Quả ngọt” nông nghiệp công nghệ cao

Là một tỉnh có công nghiệp phát triển, những năm qua Bình Dương có chủ trương giảm mạnh diện tích đất nông nghiệp, nhất là phần diện tích sản xuất kém hiệu quả, năng suất thấp, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đầu tư theo chiều sâu, cụ thể như xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao (CNC) trên địa bàn. Trong chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị (NNĐT), tỉnh đã quy hoạch và thông qua Đề án “Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020” nhằm phát triển nhiều loại hình, chuỗi giá trị một cách bền vững.

Toàn tỉnh hiện có 90 trang trại đạt tiêu chuẩn VietGAP. Trong số này có 55 trang trại được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh từ Quyết định 11/2014/QĐ- UBND của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất an toàn, toàn tỉnh hiện có 26 nhóm sản phẩm/52 cơ sở được cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn.

Với những chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành các khu nông nghiệp CNC, những trang trại thực hành sản xuất tốt theo hướng VietGAP, hợp tác xã trồng rau an toàn và nhiều cơ sở chế biến nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm. Hiện diện tích đất nông nghiệp của tỉnh đã giảm gần 20.000 ha so với năm 2010; đã xuất hiện một số trung tâm nông nghiệp CNC, nhiều trạm dịch vụ giống và cây trồng, vật nuôi; hoạt động sơ chế, công nghệ sau thu hoạch bắt đầu phát triển. Đặc biệt, ứng dụng CNC trong sản xuất đã được nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh áp dụng rộng rãi, chủ yếu là các loại cây trồng có giá trị như nấm, cây ăn trái, cây dược liệu, hoa lan, cây cảnh... với tổng diện tích khoảng 2.754,7 ha. Trong khi đó, toàn tỉnh có 171,7 ha đất NNĐT, trong đó diện tích cây cảnh và rau thủy canh 78,7 ha, hoa lan 16,2 ha, nấm và rau mầm 3,8 ha.

Khu nông nghiệp CNC An Thái (huyện Phú Giáo) của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I là một điển hình. Khu nông nghiệp này đã đưa vào sử dụng 408,9/411,75 ha với 3 loại cây trồng chủ yếu là cây chuối, cây có múi và dưa lưới, trong đó dưa lưới đạt doanh thu 3 tỷ đồng/ha/năm, chuối già hương 400 triệu đồng/ha/ năm… Các sản phẩm của Khu nông nghiệp CNC An Thái được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, Malaysia. Ngoài ra, chủ đầu tư khu nông nghiệp này còn ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị Saigon Coop, Big C, Aeon, Lotte...

Đối với lĩnh vực chăn nuôi ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh thời gian qua phát triển ổn định. Toàn tỉnh hiện có 119 trang trại đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn trên 6,2 triệu con; 140 trang trại chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao với tổng đàn gần 393.000 con; 9 trang trại chăn nuôi vịt thịt với tổng đàn 139.000 con, 1 trang trại chăn nuôi bò sữa với tổng đàn 800 con. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 418 hộ chăn nuôi cá sấu, cá cảnh, ba ba, chim yến, nhím… với số lượng khoảng 33.820 con...

Thu nhập tăng mạnh

Sản xuất nông nghiệp của Bình Dương tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng trong tổng thể hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành nông nghiệp tỉnh nhà đáp ứng đủ các loại thực phẩm chính cho người dân trong tỉnh và là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản xuất, chế biến thực phẩm khá lớn.

Sau nhiều năm đẩy mạnh phát triển NNĐT, toàn tỉnh đã có hàng trăm cơ sở sản xuất NNĐT ổn định, thu nhập tăng 15 - 20 lần so với trước đây canh tác bằng phương thức truyền thống, hiệu quả thấp. Nhiều cơ sở NNĐT trên địa bàn tỉnh sau khi thu hoạch đã được sơ chế và chuyển tới các siêu thị theo một quy trình khép kín, nhanh gọn như hợp đồng đã được thỏa thuận giữa người sản xuất với nhà phân phối. Cụ thể, nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh đã và đang mạnh dạn chuyển sang áp dụng mô hình trồng rau ăn lá trong nhà lưới kín theo hướng hữu cơ: Sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh, phân chuồng đã qua xử lý, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác. Năng suất canh tác rau ăn lá trong nhà lưới kín bằng hữu cơ bình quân đạt 14 tấn/ha; giá bán bình quân 20.000 - 25.000 đồng/kg, tăng 40 - 50% so với rau sản xuất truyền thống.

Ông Nguyễn Thanh Kiên, Giám đốc Hợp tác xã ổi Thanh Kiên (huyện Phú Giáo), cho biết thời gian qua hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi 18 ha đất trồng ổi theo mô hình sản xuất hữu cơ. Thời gian đầu tuy sản lượng ổi chưa cao do đang trong quá trình thử nghiệm nhưng hợp tác xã vẫn phấn đấu làm vì ông muốn cung ứng sản phẩm an toàn chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đạt khoảng 3.783 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 98 triệu đồng; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 1,6 tỷ đồng. Hiện nay, nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã được nông dân trong tỉnh ứng dụng rộng rãi; tỷ lệ sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao đạt 80 - 100%... sẽ mở ra triển vọng mới cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà trong thời gian tới.

Kỳ 2: Đưa sản phẩm nông nghiệp CNC đến gần với người dân 

 TIỂU MY