Nâng chất lượng thi quốc gia môn giáo dục công dân

Thứ năm, ngày 29/03/2018

(BDO) Năm nay là năm thứ 2 môn giáo dục công dân được chọn thi THPT quốc gia. Rút kinh nghiệm ở kỳ thi năm trước, năm nay giáo viên giảng dạy bộ môn đã đưa ra nhiều biện pháp giảng dạy, ôn tập thật hữu hiệu.

 2 năm nay, số học sinh (HS) lớp 12 của trường THPT Trần Văn Ơn (TX.Thuận An) chọn môn giáo dục công dân dự thi THPT khá đông. Riêng năm học này có 222/482 HS chọn thi tổ hợp môn khoa học xã hội. Qua kết quả thi học kỳ I, có 97,1% đạt điểm trên trung bình ở môn này. Theo cô Trần Thị Thanh Hoa, môn này không chỉ trang bị cho người học những tri thức đạo đức, mà quan trọng là rèn luyện cho các em thói quen, kỹ năng và thực hiện hành vi quan hệ giao tiếp, ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung của xã hội. Trước khi lên lớp cô soạn giáo án đầy đủ; thường xuyên tìm tư liệu, liên hệ thực tế cho từng bài học; lựa chọn phương pháp và nội dung phù hợp với từng đối tượng HS; sau mỗi phần kiến thức cô đều lồng ghép câu trắc nghiệm giúp cho HS làm quen với dạng đề thi.

Giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân ở các trường cùng chia sẻ kinh nghiệm ôn thi THPT quốc gia

Theo cô, để đạt kết quả cao ở kỳ thi, giáo viên cần làm tốt việc giáo dục tư tưởng, nhận thức của HS; tăng cường đầu tư soạn giảng, đi sâu khai thác trọng tâm bài học, giúp cho HS nắm được bản chất vấn đề. Cô cũng cần chuẩn bị nhiều câu hỏi và bài tập cho HS trước khi lên lớp. Sau mỗi tiết học cô còn cho bài tập về nhà để HS tự rèn luyện. Ngoài ra, cô còn thực hiện ôn tập thành nhiều vòng, phân tích đề thi minh họa của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), rèn cho HS kỹ năng làm bài, nhận diện các dạng bài để khi gặp dạng đề tương tự các em có thể xử lý nhanh nhất.

Tương lai của HS xán lạn là trách nhiệm và là niềm hạnh phúc của người thầy. Các thầy cô trường THPT Bến Cát luôn nhắc nhở học trò cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, chuẩn kiến thức kỹ năng theo chương trình giảm tải của Bộ GD-ĐT. Khi học, các em gắn liền với hiểu và sử dụng phương pháp loại trừ để có thể xác định được đáp án. Bởi học luật mà không hiểu dễ đánh nhầm đáp án hoặc mất nhiều thời gian phân biệt. Thầy Nguyễn Văn Hùng cho biết, học luật là giúp HS hiểu và vận dụng luật vào cuộc sống. Giáo viên giúp các em vận dụng luật để giải quyết các vấn đề cụ thể. Theo đó, giáo viên dạy giáo dục công dân của trường xây dựng đề cương ôn tập bám sát cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT, sát chuẩn kiến thức kỹ năng; giúp HS học tập ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao theo hướng đánh giá năng lực HS. Ngoài ôn tập nhiều vòng, thầy cô còn xây dựng các đề thi thử, tổ chức cho HS làm bài và sửa bài lẫn nhau…

Việc HS chọn tổ hợp môn khoa học xã hội, trong đó có môn giáo dục công dân để thi quốc gia, ngoài yêu thích, còn có một bộ phận HS chọn thi để đạt yêu cầu tốt nghiệp THPT. Theo thầy Nguyễn Mạnh Hùng, trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Giáo), đa số các em chỉ học trên lớp, về nhà không ôn thêm, nên lượng kiến thức dạy chưa được nhiều, chưa dạy được phần nâng cao. Lượng kiến thức nhiều, nhưng thời gian để ôn tập cho HS quá ít, giáo viên chưa có thời gian ôn tập kiến thức lớp 11. Sau khi kết thúc chương trình học, giáo viên phân loại HS để chia thành 3 nhóm ôn tập để dạy kiến thức phù hợp, như vậy HS không bị chán nản. Các thầy cô cũng xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng nhóm đối tượng tương ứng với số tiết trong tuần; có kế hoạch cho HS thi thử từng phần để rút kinh nghiệm cho HS; thường xuyên nhắc nhở những em học yếu và bồi dưỡng thêm kiến thức đối với những em chọn môn này để xét tuyển đại học.

 H.THÁI