Nâng chất bữa ăn học đường năm học mới – Bài 2

Thứ bảy, ngày 26/09/2015

Bài 2: Siết chặt công tác quản lý bếp ăn học đường

Nhằm nâng chất lượng trong bữa ăn học đường cho khối tiểu học bán trú trên toàn tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đã chỉ đạo sát sao việc siết chặt quản lý quy trình nhập thực phẩm tươi sống, vệ sinh bếp ăn, nhà ăn… Để làm tốt công tác này, nhiều trường học đã lắp đặt hệ thống camera để giám sát bếp ăn của trường. Bên cạnh đó, vai trò giám sát của Hội phụ huynh tại nhiều trường cũng được nâng cao bằng hình thức thường xuyên kiểm tra để bảo đảm quy trình chế biến thực phẩm cho học sinh (HS) luôn chất lượng.


“Qua hình ảnh từ 8 camera, tôi có thể giám sát được mọi hoạt động tại khu chế biến thức ăn của trường”, ông Lê Nguyễn Anh Thương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lương Thế Vinh cho biết.
Ảnh: T.QUANG

Quản lý bằng hệ thống camera

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT tỉnh, cho biết để quản lý mô hình bếp ăn học đường được tốt hơn, thời gian qua sở cũng đã khuyến cáo cho các đơn vị trường học có tổ chức bán trú cho HS cần lắp đặt hệ thống camera để tiện theo dõi về quy trình chế biến thức ăn. Hưởng ứng việc làm này, bằng nguồn xã hội hóa “Camera bếp ăn học đường”, hiện nay trên 90% trường tiểu học bán trú trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt hệ thống camera để tiện theo dõi, quản lý. Có một số trường học ở huyện Phú Giáo, TX.Thuận An đã thực hiện cách làm này từ lâu.

Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, phường An Thạnh, TX.Thuận An là một trong những trường đi đầu trong việc giám sát bếp ăn qua hệ thống camera. Từ hình ảnh của hệ thống camera, Ban giám hiệu nhà trường dễ dàng giám sát được các hoạt động tại khu chế biến thức ăn của trường, khu lưu mẫu qua máy tính hay chiếc điện thoại cầm tay. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Nguyễn Anh Thương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lương Thế Vinh, cho biết: “Từ nguồn xã hội hóa giáo dục, 3 năm qua, đơn vị đã lắp đặt hệ thống camera giám sát các hoạt động tại nhà ăn cũng như không gian trường học. Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động, đến nay nhà trường đã lắp đặt được 8 camera. Hệ thống camera được chuyền tải theo đường truyền internet nên cán bộ, giáo viên, phụ huynh trong trường cũng có thể nhìn thấy được những hoạt động của trường thông qua máy vi tính và điện thoại. Từ hình ảnh của hệ thống camera ghi lại, thời gian qua Ban giám hiệu nhà trường cũng đã điều chỉnh lại một số hoạt động chưa phù hợp của người cấp dưỡng tại khu chế biến thức ăn cho HS”.

Theo ông Lê Nguyễn Anh Thương, để tiện theo dõi các hoạt động trong khuôn viên, lớp học, nhà ăn của trường, tới đây đơn vị sẽ tiếp tục vận động các nhà hảo tâm lắp đặt hệ thống camera tại các phòng học.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Chuẩn, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An, cho biết: “Mặc dù nhà trường cũng đang gặp phải những khó khăn về cơ sở vật chất nhưng đơn vị cũng cố gắng làm tốt công tác xã hội hóa việc lắp đặt hệ thống camera để tiện theo dõi các hoạt động trong không gian nhà trường. Tại điểm tiếp nhận đầu vào của thực phẩm đến không gian chế biến thức ăn cho HS bán trú của trường đều được gắn “mắt thần” giám sát. Chỉ cần nhân viên cấp dưỡng rửa rau, củ, quả chưa sạch, rửa qua loa là tôi dù ở xa cũng có thể phát hiện và điện thoại nhắc nhở ngay. Có camera quan sát, đội ngũ cấp dưỡng không giám giấu thức ăn của HS để mang về nhà. Hay khi phát hiện việc này, mình nhắc nhở ngay là lần sau không ai dám làm bậy. Từ việc sử dụng “mắt thần” trong công tác quản lý tại khu chế biến thức ăn đã giúp Ban giám hiệu nhà trường siết chặt hơn đối với công tác quản lý các hoạt động, quy trình chế biến suất ăn cho HS bán trú”.

Phụ huynh trực tiếp kiểm tra

Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, sắm sửa thêm trang thiết bị phục vụ việc chế biến thức ăn cho HS bán trú của trường, đầu năm học mới này, nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng công tác củng cố, bầu mới lại Hội phụ huynh HS của trường để trực tiếp kiểm tra, giám sát đầu vào của thực phẩm cũng như quy trình chế biến thức ăn tại các trường học.

Bà Huỳnh Ngọc Anh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Long Bình, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, cho biết trong buổi họp phụ huynh HS năm học mới, Ban giám hiệu nhà trường đã bầu lại Hội phụ huynh HS. Theo đó, Ban giám hiệu trường Tiểu học Long Bình đã làm thẻ kiểm tra nhà ăn cho Ban Chấp hành Hội phụ huynh HS của trường. Những người có thẻ có thể đột xuất kiểm tra khu vực chế biến thức ăn trường Tiểu học Long Bình. “Ngoài việc theo dõi hoạt động của nhà ăn thông qua hệ thống camera, Ban Chấp hành Hội phụ huynh HS của trường được phép kiểm tra đột xuất việc tiếp nhận thực phẩm cũng như theo dõi quy trình chế biến thức ăn. Tin rằng, với cách quản lý có sự tham gia của phụ huynh HS, bữa ăn của HS bán trú sẽ được nâng lên”, bà Huỳnh Ngọc Anh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Long Bình nói.

Việc Hội phụ huynh HS trực tiếp kiểm thực phẩm, bếp ăn cũng được nhiều trường khác thực hiện tốt.

Chọn đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín

Ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh bếp ăn, nhà ăn thì việc chọn đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín là hết sức quan trọng. Có thể nói, nếu không tìm cơ sở cung cấp thực phẩm tốt thì việc cung cấp bữa ăn cho HS bán trú chưa đạt chất lượng. Một chủ cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều trường tiểu học bán trú trên địa bàn TX.Thuận An trong hơn 10 năm qua, chia sẻ: “Người làm kinh doanh thì phải kiếm lời. Tuy nhiên, làm kinh doanh trong việc cung cấp thực phẩm cho trẻ em thì phải có đức, chứ không phải chỉ tính đến chuyện có lãi…”.

Nói về kinh nghiệm trong việc chọn thực phẩm tươi sống, bảo đảm chất lượng để chế biến đạt chất lượng trong bữa ăn cho HS, vị này cho rằng: “Sau nhiều năm cung cấp thực phẩm cho nhiều đơn vị trường học trên địa bàn TX.Thuận An, TX.Dĩ An,.. bản thân tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm để tạo dựng cho mình một uy tín trên thị trường. Cụ thể như thông qua bảng thực đơn của nhà trường và căn cứ vào tình hình dự báo thời tiết vùng miền trong khu vực có trồng rau, củ quả tôi mới nhập hàng cho bảo đảm chất lượng. Ví dụ, khi biết tin ở Đà Lạt có mưa lớn, thực phẩm rau, củ, quả không được tươi sống, tôi chủ động liên lạc với nhà trường để đổi món ăn cho HS. Lâu nay trên thị trường xuất hiện nhiều rau, củ, quả Trung Quốc, để loại trừ thực phẩm này trong bữa ăn của HS, nhân viên kiểm hàng cơ sở đã chú tâm trong việc lựa chọn hàng đạt chất lượng”.  

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT tỉnh, cho biết: “Quan điểm của sở cũng như các phòng giáo dục huyện, thị là để phụ huynh tự lựa chọn công ty có uy tín cung cấp thực phẩm, thức ăn cho nhà trường. Đến thời điểm hiện tại, việc quản lý bếp ăn ở các trường được thực hiện đồng bộ, khá hiệu quả, nhưng không vì thế mà chúng tôi lơ là trong quản lý. Không chỉ cán bộ phòng đột xuất kiểm tra về khâu nhập thực phẩm, mà cán bộ sở cũng nhiều lần trực tiếp làm việc này. Nếu phát hiện thực phẩm không đạt chất lượng nhập vào trường là chúng tôi xử lý ngay. Có thể thay đổi đơn vị cung cấp thực phẩm bất cứ lúc nào!”.

 

THANH QUANG - QUẢNG ĐIỀN