Nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật

Thứ tư, ngày 11/09/2019

(BDO)

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục Phiên họp thứ 37, sáng 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 (2014-2019).

Việc đánh giá đúng kết quả triển khai thi hành Hiến pháp góp phần quan trọng để đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, qua đó tiếp tục tạo tiền đề về chính trị, kinh tế-xã hội cho đất nước bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Chú trọng hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật

Dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 (2014-2019) của Chính phủ cho thấy trên cơ sở Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13, các cơ quan đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp 2013 nghiêm túc.

Các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều xác định triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên và tập trung chỉ đạo thực hiện xuyên suốt, đồng bộ.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giới thiệu về Hiến pháp và rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Hiến pháp được tập trung cao độ để bảo đảm kịp thời đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống.

Công tác thể chế ngày càng được chú trọng. Các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm đều xác định công tác hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản trực tiếp phân công nhiệm vụ, chỉ đạo, đôn đốc tình hình thực hiện, xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh...

Để triển khai thi hành Hiến pháp một cách kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc tối thượng của Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền, công tác rà soát, lập danh mục đề xuất văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để phù hợp với quy định của Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, triển khai ngay sau khi Hiến pháp được thông qua.

Đây là lần đầu tiên việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp được tiến hành một cách toàn diện, đồng bộ, với số lượng văn bản cần rà soát rất lớn.

Các cơ quan đã chủ động, tích cực tổ chức thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, trách nhiệm được giao, cơ bản bảo đảm tiến độ; lập danh mục và kiến nghị, xử lý theo thẩm quyền đối với các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chưa phù hợp với Hiến pháp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng Đảng, Nhà nước quan tâm rất sát sao, quyết liệt tới công tác chỉ đạo, lãnh đạo triển khai thi hành Hiến pháp.

Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 32-CT/TW, Quốc hội có Nghị quyết số 64/2013/QH13; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13, Nghị quyết số 719/NQ-UBTVQH13; Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 251/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch của Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp...

Toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Việc tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp năm 2013 được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

Từ sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, các cơ quan hữu quan đã tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, lập danh mục đề xuất danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 111 bộ luật, luật, pháp lệnh, trong đó có 69 văn bản thuộc danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13, các văn bản còn lại được ban hành theo yêu cầu của thực tiễn; còn 21 văn bản thuộc danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 vẫn chưa được ban hành.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, những kết quả đạt được đã từng bước đưa các quy định của Hiến pháp dần đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng-an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước; góp phần bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Thi hành Hiến pháp cũng góp phần nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân; tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn phát triển mới.

Nhiều ý kiến đánh giá cao Chính phủ và các cơ quan đã rất nghiêm túc, trách nhiệm, trong khoảng thời gian ngắn nhưng đã nỗ lực khẩn trương thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị Báo cáo có chất lượng, đúng tiến độ theo yêu cầu. Báo cáo phản ánh cơ bản đầy đủ tình hình triển khai thi hành Hiến pháp trong 5 năm qua của các cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Báo cáo cần thể hiện rõ hơn việc gắn các nội dung 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với quá trình tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48, Nghị quyết số 49... và xây dựng các văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Một số ý kiến cho rằng Báo cáo cần bổ sung đánh giá sâu hơn tác động của việc triển khai thi hành Hiến pháp đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế, việc bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân...; bổ sung đầy đủ, bao quát hơn về những tồn tại, hạn chế, đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức trong Báo cáo.

Sau 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp, trong số 90 luật, pháp lệnh được liệt kê tại Danh mục, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 69 luật, pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng, rường cột của hệ thống pháp luật; còn 21 dự án luật, pháp lệnh nằm trong Danh mục nhưng chưa được ban hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ vì sao vẫn còn 21 luật chưa được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp 2013.

Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi liệu đến hết năm 2020 có hoàn thành được hay không và nếu không hoàn thành kịp, tác động của việc chậm trễ này như thế nào đối với các vấn đề kinh tế, chính trị-xã hội, văn hóa, quyền con người, quyền công dân...?

Cùng mối băn khoăn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị rà soát lại để có thái độ dứt khoát, rõ ràng với một số dự án luật còn chậm trễ.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo của Chính phủ rất nghiêm túc, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Đề nghị trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh báo cáo.

Cũng trong phiên thảo luận sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc thành lập bốn phường (Hoàng Quế, Hồng Phong, Tràng An, Yên Thọ) thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn (Hải Dương); thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai./.

Theo TTXVN