Nâng cao ý thức phòng ngừa cháy nổ dịp tết
(BDO) Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường sản xuất; lượng nguyên vật liệu, hàng hóa tập kết lớn, việc tiêu thụ điện, nhiên liệu của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm vào mùa khô hanh, vật liệu dễ bắt cháy càng làm tăng nguy cơ cháy, nổ. Từ thực tế đó, việc bảo đảm an toàn cháy, nổ dịp trước, trong và sau tết cần phải được đặc biệt quan tâm.
Hiện nay, Nam bộ bắt đầu bước vào mùa khô hanh. Đây là thời điểm có nguy cơ cháy nổ cao nhất trong năm. Vì vậy, ngành chức năng không để lơi lỏng trong quản lý, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống cháy nổ, đồng thời cần có các biện pháp chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa các vụ việc cháy nổ, để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Trong đó, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức về phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho mỗi người và mỗi gia đình, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp… là rất quan trọng, cần được quan tâm, tăng cường. Những vụ việc đau lòng do cháy nổ gây ra sẽ không dừng lại nếu mỗi người chúng ta thiếu ý thức, không cẩn trọng trong PCCC.
Ở các cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp… người đứng đầu cần quan tâm tổ chức công tác tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên và người lao động chấp hành nghiêm nội quy, quy định về PCCC; tăng cường công tác tự kiểm tra, kịp thời khắc phục những thiếu sót có thể phát sinh cháy, nổ; xây dựng và duy trì hoạt động các mô hình PCCC trong các khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng... Đối với các hộ gia đình, cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị điện; tắt nguồn lửa và ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng; cẩn trọng trong việc thắp hương, đốt vàng mã… Cùng với đó, các đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nêu cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cháy nổ cũng như ý thức trách nhiệm vì cộng đồng trong công tác PCCC, nhất là tuyên truyền về các biện pháp PCCC trong hộ gia đình, việc sử dụng điện, thực hiện chế độ kiểm tra nguồn nhiệt, điện vào thời điểm có nguy cơ cháy cao.
Để công tác phòng ngừa cháy, nổ có hiệu quả, yếu tố then chốt vẫn là ý thức tự phòng, tự quản lý, giám sát của mỗi người dân, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong đó, việc tự kiểm tra, tự chấn chỉnh, chủ động khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác phòng chống cháy, nổ là giải pháp hiệu quả nhất.
NHẬT HUY