Nâng cao ý thức người tham gia giao thông
(BDO) Hiện nay, vấn đề an toàn giao thông đường bộ đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của xã hội. Đặc biệt, ngay từ đầu năm mới có nhiều quy định về giao thông chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, nhất là việc tăng mức xử phạt rất cao đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác chấp hành luật giao thông, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh.
Trước hết, một số điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần quan tâm, như: Luật cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; luật quy định cụ thể điều kiện xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh; trừ điểm giấy phép lái xe; thay đổi phân hạng giấy phép lái xe hay quy định về đấu giá biển số xe… Đáng chú ý, mới đây Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, từ ngày 1-1-2025, có những điều chỉnh đáng chú ý về mức phạt được áp dụng, nhắm vào các hành vi nguy hiểm và tái diễn thường xuyên, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong việc tăng cường trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt, có những mức phạt cao gấp nhiều lần so với trước đây, như: Vượt đèn đỏ mức phạt mới lên đến 20 triệu đồng đối với ô tô, 6 triệu đồng đối với xe máy; lùi xe trên cao tốc có thể bị phạt đến 40 triệu đồng (trước đây mức phạt từ 16-18 triệu đồng); dừng, đỗ xe sai quy định trên cao tốc mức phạt mới lên đến 14 triệu đồng...
Ngoài ra, Nghị định 168 cũng điều chỉnh mức phạt đối với các hành vi vi phạm thường xuyên xảy ra do thiếu ý thức như vận chuyển hàng hóa không đúng quy định, không nhường đường cho người đi bộ, sử dụng điện thoại khi lái xe... Đây là thay đổi nhằm răn đe mạnh mẽ những vi phạm gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Việc tăng mức xử phạt được xem là một trong những giải pháp để góp phần hạn chế hành vi vi phạm giao thông, từ đó giảm thiểu các vụ tai nạn. Tuy nhiên, để giảm thiểu tai nạn giao thông hiệu quả cần phải thực hiện đồng bộ với rất nhiều giải pháp, như quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, khoa học; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, chất lượng đào tạo trong cấp bằng lái xe, nâng cao kỹ năng lái xe cho tài xế; xây dựng văn hóa giao thông… Để các quy định thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Song trước hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác chấp hành luật giao thông, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh cho đất nước.
K.TÂN