Nâng cao văn minh thương mại
(BDO)
Siêu thị mini, cửa hàng tiện ích mang lại tiện ích cho người dân
Song song với việc thành phố phát triển nhanh các khu đô thị, khu dân cư, các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini mọc lên ngày càng nhiều khiến việc mua sắm trở nên thuận tiện hơn.
Do bận rộn với rất nhiều công việc vào buổi sáng, chị Nguyễn Lan Chi, phường Phú Cường, thường tranh thủ đến cửa hàng thực phẩm Vissan, cách nhà chỉ 300m sau khi tan sở. “Người dân chúng tôi đang trải nghiệm cuộc sống tiện lợi thật sự. Chỉ trong vòng vài trăm mét, tôi có rất nhiều lựa chọn tiêu dùng. Mọi thức đều sẵn có, từ rau xanh, thịt cá tươi cho đến những nhu yếu phẩm cần thiết. Ngoài ra còn rất nhiều tiện ích khác đi kèm như thanh toán hóa đơn, giao hàng tận nhà, đặt hàng qua mạng…”, chị Chi nói. Tương tự, chị Nguyễn Trúc Thanh, phường Phú Mỹ cho biết, hiện nay các cửa hàng tiện lợi đang chứng tỏ sức cạnh tranh với siêu thị, chợ truyền thống rất tốt. Sự phát triển các mô hình siêu thị thu nhỏ này đang tạo điều kiện cho người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn..
Theo ghi nhận, hiện nay các siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi đã cung cấp đầy đủ các mặt hàng, gần giống với cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống nhưng được vận hành một cách văn minh, bài bản. Người tiêu dùng từ đó có thể chọn mua được nhiều mặt hàng, những sản phẩm mới, chất lượng do các thương hiệu độc quyền phân phối với giá thành hợp lý.
Nắm rõ những yếu tố tâm lý, thói quen tiêu dùng, từ 2 năm trở lại đây, không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài mà nhiều nhà bán lẻ Việt Nam cũng lựa chọn TP.Thủ Dầu Một làm điểm đến đầu tư. Hiện nay, nhiều nhà phân phối, tập đoàn có thương hiệu lớn cùng với các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi được triển khai tại các phường rất có hiệu quả về kinh tế như Điện máy xanh, Vinmart +, Family Mart 24 giờ, Bách hóa xanh…
Các kênh bán lẻ hiện đại trên địa bàn thành phố đang phát triển nhanh, đặc biệt là kênh siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi. Chỉ trong vòng 2 năm, trên địa bàn thành phố đã có 30 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi. Đây là một xu thế tất yếu trong quá trình thu hút xã hội hóa các nguồn lực, phát triển thị trường bán lẻ. Mặt khác, chuỗi cửa hàng có nguồn cung hàng hóa ngày càng đa dạng và chất lượng ngày càng tăng nên thu hút người dân thành thị đến mua sắm.
Sự xuất hiện của các siêu thị, cửa hàng, đại lý, cung cấp đầy đủ mặt hàng, đã giúp người dân không còn phải đi xa để mua hàng hóa như trước đây. Ngoài ra với lợi thế giao thông liên vùng, hoạt động thương mại giữa các địa phương cũng từng bước phát triển, đáp ứng được nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố.
Với sự đa dạng kênh phân phối, từ đó kích thích tiêu dùng. Thống kê tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ trên địa bàn thành phố tăng bình quân hàng năm 27,35%. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa thu hút được các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ đã đem lại những hiệu quả rõ rệt về phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ, diện mạo trở nên văn minh hơn, hiện đại hơn, giảm bớt khó khăn và đầu tư cho ngân sách Nhà nước vào lĩnh vực này. Đồng thời, việc tổ chức phát triển siêu thị mini, cửa hàng tiện ích cũng đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, thúc đẩy hoạt động liên kết thương mại, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm thương mại.
TRÚC HUỲNH