Nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn
(BDO)
Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn VSIP trao thưởng cho các cá nhân lao động giỏi, lao động sáng tạo
Lao động giỏi, lao động sáng tạo
Trong 5 năm qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong toàn VSIP tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành tựu nhất định, góp phần quan trọng cho kinh tế của tỉnh. Tính đến nay, VSIP 1 (TP.Thuận An) có khoảng 162.000 công nhân lao động (CNLĐ) đang làm việc tạc các DN. Các chủ DN cũng ý thức việc tuân thủ các quy định pháp luật và xem lực lượng lao động là nguồn lực quý báu của DN.
Theo bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch CĐ VSIP, CĐ VSIP hiện có 370 công đoàn cơ sở (CĐCS) với 140.387 đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) đang hoạt động dưới sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của CĐ VSIP. Nhiều phong trào thi đua yêu nước được triển khai, trong đó trọng tâm là phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Đây cũng là phong trào thiết thực được CĐCS, lực lượng lao động tích cực hưởng ứng, khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của giai cấp công nhân.
Với mục tiêu “Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm hiệu quả, bảo đảm điều kiện môi trường làm việc ổn định, tăng thu nhập cho người lao động”, từ 2016 đến nay, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã có 880 công trình, đề tài thành phẩm và hàng ngàn ý tưởng, sáng kiến cải tiến, giải pháp hữu ích được CNLĐ, tổ phát triển sáng kiến nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn đạt kết quả cao, đem lại lợi ích kinh tế hơn 520 tỷ đồng cho DN. Trong 5 năm qua, có hơn 120 tập thể CĐCS thường xuyên thực hiện triển khai phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” tại DN, có 16 tập thể đạt thành tích tốt trong công tác triển khai thực hiện, được CĐ VSIP khen thưởng. Các DN có đề tài cải tiến kỹ thuật, sáng tạo không ngừng, như: Công ty TNHH Điện tử Foster, Công ty TNHH Fujikura, Công ty TNHH Hoya Lens, Công ty TNHH Midea, Công ty TNHH Sài Gòn Stec, Công ty TNHH Apparel Far Eastern, Công ty TNHH Maruei, Công ty TNHH Wanek, Công ty TNHH Yokohama, Công ty TNHH Omron, Công ty TNHH Nitto Denko...
Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được triển khai trên tất cả các lĩnh vực tại DN gắn với sự đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu, tạo ra các sản phẩm mới, được đưa vào ứng dụng trong hoạt động sản xuất đem lại lợi nhuận cho DN, thu nhập của CNLĐ được cải thiện. Các đề tài, sáng kiến được hình thành từ những công việc thực tế hàng ngày của người lao động, làm lợi cho DN. Có thể kể đến như trong lĩnh vực điện, điện tử có anh Huỳnh Văn Hoa (Công ty TNHH Midea Consumer Electric Việt Nam) với đề tài “Thay đổi bố cục xưởng 1 tăng nhịp chuyền” làm lợi cho DN hơn 1,1 tỷ đồng; lĩnh vực may mặc, chị Nguyễn Thị Ngọc Phương (Công ty TNHH Apparel Far Eastern) với hơn 10 đề tài sáng kiến, giúp DN tiết kiệm hơn 3,5 tỷ đồng/năm. Lĩnh vực dụng cụ y tế, anh Trần Xuân Sang (Công ty TNHH Omron Healthcare Manufacturing Việt Nam) với đề tài sáng kiến cải thiện thao tác dán số seri bằng máy, giúp DN tiết kiệm hơn 612 triệu đồng/năm…
Phát triển phong trào thi đua
Trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước luôn được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương và hệ thống CĐ, vì đây là khởi nguồn cho sự sáng tạo, đổi mới và phát triển trong quá trình lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Các đề tài, sáng kiến và ý tưởng sáng tạo luôn được tôn trọng và ghi nhận, nhiều hoạt động phong trào thi đua được diễn ra trong các DN với mục đích tạo môi trường, điều kiện cho người lao động phát huy hết giá trị năng lực của mình trong lĩnh vực chuyên môn, cùng với DN tạo ra những sản phẩm mới, đa dạng và đạt chất lượng, tạo thêm uy tín cho DN trên thị trường hàng hóa.
Về việc phát triển phong trào này trong thời gian tới, bà Kim Chi cho biết thêm: “CĐ VSIP sẽ tiếp tục phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Dương tuyên truyền hội thi “Sáng tạo kỹ thuật” và cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, CNLĐ trong tỉnh đến các CĐCS trực thuộc; tổ chức các hoạt động thiết thực để tuyên truyền phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” một cách hiệu quả, trong đó tập trung tuyên truyền trong Tháng Công nhân, định hướng mục tiêu khai thác ý tưởng, khơi dậy được tính tự giác, tự cường và tính sáng tạo của CNLĐ”.
Tổ chức CĐCS cũng sẽ tổng hợp các đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được sự công nhận của DN để kịp thời khen thưởng các cá nhân có tinh thần vượt khó, cầu tiến trong lao động sản xuất đề nghị UBND tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, huy hiệu lao động sáng tạo. Bên cạnh đó CĐCS sẽ phát hiện, giới thiệu những lao động tiêu biểu, trưởng thành từ phong trào thi đua để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng, xem xét kết nạp hoặc tham gia vào bộ máy lãnh đạo CĐCS để tăng cường tính gần gũi giữa tổ chức CĐ với người lao động, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng để định hướng tư tưởng cách mạng, xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn hậu dịch bệnh Covid-19, vai trò của tổ chức CĐ cần phải được nâng cao hơn nữa, hướng mạnh về cơ sở nhằm chăm lo đời sống cho CNLĐ, xây dựng mối quan hệ hài hòa, tiến bộ trong các DN.
QUỲNH NHƯ