Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức với công tác giải quyết việc làm
(BDO) Kết nối cung - cầu lao động và giới thiệu việc làm là yếu tố quan trọng để thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, góp phần phát triển thị trường lao động trong tỉnh. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) chú trọng nghiên cứu, áp dụng nhiều phương án hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt là tổ chức sàn giao dịch việc làm (GDVL) đem lại hiệu quả nhất định.
Thời gian gần đây, TTDVVL tỉnh liên tục mở sàn GDVL để giúp NLĐ tìm được việc làm
Chuyển biến linh hoạt
Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết từ năm 2008, khi mới đi vào hoạt động, tiền thân của sàn GDVL là các “Hội chợ việc làm” được phát triển tự phát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ). Đến năm 2016, Bình Dương bắt đầu thực hiện kết nối sàn online với hệ thống sàn trong cả nước nhằm mở rộng địa bàn thu hút lao động cung ứng cho doanh nghiệp (DN).
Khi thực hiện sàn online, Bình Dương đóng vai trò là một trong những đầu cầu kết nối và có sự tương tác trực tuyến qua lại giữa các tỉnh với DN và NLĐ trong và ngoài tỉnh. Cũng từ giai đoạn này, sàn GDVL trực tuyến được phát triển thêm trên nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook. Bên cạnh đó, tỉnh còn sử dụng thêm công nghệ video confference như Skype, Google meet, Zoom để thực hiện kết nối phỏng vấn trực tuyến giữa DN và lao động...
Đến nay, sàn GDVL đang được phát triển mở rộng cả về nội dung lẫn hình thức, trong đó đã có sự kết hợp cả trực tiếp với trực tuyến giúp kết nối dễ dàng, hiệu quả giữa DN và NLĐ. Các hình thức bao gồm tổ chức định kỳ tại trụ sở Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) tỉnh thông qua các hội chợ việc làm, tổ chức lưu động tại các địa phương, DN, trường học, liên kết với các tỉnh khác. Ngoài ra, Bình Dương còn tham gia liên kết với các tổ chức, đơn vị để thực hiện hiệu quả kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tỉnh đã ký kết, liên kết với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) theo Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về việc làm bền vững (2017- 2021) nhằm góp phần thúc đẩy việc làm bền vững, xây dựng cơ chế quản lý thị trường lao động hiệu quả; thực hiện liên kết với trung tâm lao động ngoài nước tổ chức các sàn GDVL trực tuyến dành cho lao động EPS (chương trình sử dụng cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc) và thực tập sinh IM Japan (chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản) về nước...
Ông Phạm Văn Tuyên cho rằng: “Bài toán về chuyển đổi số hiện nay đã và đang đặt ra đối với mọi lĩnh vực, ngành nghề. Chính vì thế, trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục đi sâu nghiên cứu và phát triển ngày càng hoàn thiện hơn đối với phương thức tổ chức sàn GDVL online. Đồng thời, tỉnh mở rộng mối quan hệ với các tổ chức, đơn vị nhằm mở rộng phạm vi tổ chức, đa dạng hóa nội dung thực hiện”.
Cần có hành lang pháp lý riêng biệt
Theo số liệu thống kê từ TTDVVL tỉnh, 8 tháng của năm 2023, trung tâm đã mở 33 sàn GDVL, thu hút 676 DN với 1.451 NLĐ tham gia. Năm 2022, trung tâm mở 51 sàn GDVL, có 7.103 DN với 6.975 NLĐ tham gia. Năm 2021, trung tâm chỉ mở 38 sàn GDVL nhưng có đến 7.103 DN với 61.141 NLĐ tham gia... Nhìn vào thống kê trên có thể thấy sàn GDVL trong năm 2023 được mở nhiều hơn, nhưng số DN và NLĐ tham gia rất ít.
Theo ông Phạm Văn Tuyên, xu thế chung về biến đổi thị trường lao động diễn ra mạnh mẽ hiện nay đã dẫn đến sự biến động lớn về lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, công tác kết nối việc làm trực tiếp trong tỉnh giảm hơn về cả số lượng NLĐ và DN tuyển dụng, tuy nhiên lượng NLĐ thất nghiệp lại gia tăng. Điều này đòi hỏi các sở, ngành của tỉnh phải nâng cao hơn trách nhiệm đối với nhiệm vụ giải quyết việc làm, kết nối cung - cầu lao động của tỉnh. Song song đó, cần có hệ thống hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho nhiệm vụ giải quyết việc làm trong tỉnh hoạt động thuận lợi và hiệu quả.
Theo Sở LĐ-TB&XH, hiện tại hoạt động của sàn GDVL chưa có hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ và riêng biệt. Sàn GDVL mới chỉ được vận hành do hệ thống TTDVVL công của 63 tỉnh, thành và do các DN tư nhân tự kết nối thực hiện. Xét về góc độ quản lý nhà nước, sàn GDVL chỉ được coi là một khâu nghiệp vụ và được lồng ghép trong các phương án của công tác tư vấn, giải quyết việc làm cho NLĐ ở phạm vi hoạt động của TTDVVL nên còn nhiều hạn chế.
Sàn online trên cả nước hiện nay chưa được kết nối đồng bộ thông suốt (chưa có phần mềm chung), chỉ một số địa phương tự liên hệ kết nối với nhau. Do đó, số lượng DN Bình Dương tham gia tuyển dụng chỉ kết nối được lao động ở một số tỉnh nhất định. Các yếu tố phục vụ sàn còn thiếu, không đủ chuyên nghiệp; chi phí đầu tư cho sàn quá ít, không bền vững... Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, địa phương hầu như chưa thực sự coi trọng vấn đề giải quyết việc làm, kết nối sàn GDVL cho NLĐ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong toàn tỉnh chưa có sự phối hợp và cung cấp dữ liệu về lao động, việc làm từ phía các địa phương một cách chính thống.
Theo Sở LĐ-TB&XH, các địa phương cần thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp để kết nối cung - cầu lao động, góp phần giúp thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững, hiệu quả và hội nhập hơn.
QUANG TÁM