Nâng cao tỷ trọng nội địa hóa và hàm lượng công nghệ, tri thức trong sản phẩm xuất khẩu chủ lực và dịch vụ hỗ trợ
(BDO) Không bằng lòng với kết quả hiện tại, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng nhìn nhận những tồn tại để giải quyết một cách đồng bộ và có hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh theo hướng nâng cao tỷ trọng nội địa hóa và hàm lượng công nghệ, tri thức trong sản phẩm xuất khẩu chủ lực và dịch vụ hỗ trợ trong xu thế hội nhập.
Công ty Máy chế biến gỗ Thượng Nguyên đang lên nhiều kế hoạch đẩy mạnh chuyển giao công nghệ sản xuất máy chế biến gỗ mang thương hiệu Việt Nam để phục vụ ngành gỗ Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu
Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch đúng hướng
Trong những năm qua, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh luôn được cải thiện, cùng với những nỗ lực trong cải cách hành chính đã góp phần thu hút vốn đầu tư, tạo đà cho xuất khẩu của tỉnh phát triển. Trên cơ sở thực hiện theo Chương trình số 23-CTr/TU và Chương trình số 24-CTr/TU ngày 16-8-2016 của Tỉnh ủy, tỉnh Bình Dương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là đẩy mạnh việc cải tạo và tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu - cụm công nghiệp, mạng lưới giao thông và dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp trong sản xuất, phân phối và xuất nhập khẩu hàng hóa. Việc đầu tư quy hoạch xây cụm công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút các nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các sản phẩm xuất khẩu, để từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng hàm lượng trí thức và công nghệ trong sản phẩm xuất khẩu của tỉnh Bình Dương nhằm tăng năng lực cạnh tranh, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho các sản phẩm xuất khẩu
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo chiều hướng tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 của Bình Dương. Các mặt hàng chủ lực có quy mô xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị phụ tùng tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định, đồng thời đã phát triển thêm nhiều mặt hàng xuất khẩu mới thuộc nhóm công nghệ như điện thoại di động, máy vi tính, thiết bị điện tử, đặc biệt là sản phẩm nông sản chất lượng cao. Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng khá, duy trì thặng dư thương mại ở mức 3,8 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2018 ước đạt 20.022,9 triệu USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ, đạt 79,3% kế hoạch năm 2018 (25.259,4 triệu USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước 3.889,6 triệu USD, tăng 8,1% so với tháng trước; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 16.113,3 triệu USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ. Nhóm hàng công nghiệp vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực và duy trì được mức tăng trưởng cao từ 12 - 15% so với cùng kỳ, trong đó sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, điện tử tiếp tục là những mặt hàng có tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Nhóm các mặt hàng nông sản tuy có nhiều biến động về giá xuất khẩu nhưng nhìn chung vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, với mức tăng trưởng trung bình từ 5 - 10%. Dự báo, trong 2 tháng còn lại của năm 2018, xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng cao do nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường nhập khẩu sẽ tăng cao vào các dịp lễ, tết cuối năm. Ước kim ngạch cả năm 2018, nhiều khả năng sẽ đạt trên 25,2 tỷ USD, đạt trên 100% chỉ tiêu về kim ngạch xuất khẩu năm 2018.
Theo đánh giá của Sở Công thương, hiện nay các Hiệp định Thương mại tự do FTA mới, đặc biệt là các FTA của Việt Nam với Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á - Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN... đã tạo ra nhiều cơ hội trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và có tác động tích cực, quan trọng đối với việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành cũng đã chỉ đạo sát sao, nỗ lực thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch, giải pháp nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm hiểu, tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu Bình Dương được mở rộng, phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa. Các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công, khuyến nông hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh đã dần phát huy hiệu quả; các sản phẩm xuất khẩu của Bình Dương như đồ gỗ, gốm sứ, dệt may, giày dép, điện tử… đã và đang được đánh giá cao trên thương trường quốc tế (cụ thể trong nhóm các sản phẩm hàng hóa). Các thương hiệu nổi tiếng, có uy tín của Bình Dương như gốm sứ Minh Long, đồ gỗ Trường Thành, gỗ Hiệp Long, sản phẩm cơ điện Sáng Ban Mai, cao su Phước Hòa, cao su Dầu Tiếng… nhiều năm liền đạt được danh hiệu Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín (Bộ Công thương phong tặng) và được nhiều đối tác nước ngoài biết đến. Các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… và các thị trường xuất khẩu mới như châu Phi, Hồng Kông, Brazil, Cuba… được các doanh nghiệp hưởng ứng tham gia.
Đặc biệt, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Bình Dương đang được phân phối và tiêu thụ trong nước thông qua các nhà phân phối và bán lẻ như: Metro, Co.opmart, Big C, Aeon, Lotte… và các cửa hàng tiện ích cao cấp tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bên cạnh đó, một số sản phẩm cũng đã xuất khẩu thành công sang một số quốc gia phát triển như Nhật Bản (cà tím, dưa lưới, chuối); Hàn Quốc, Dubai và Malaysia (chuối)… đã và đang khẳng định chất lượng của những sản phẩm được sản xuất từ quy trình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao của Bình Dương.
Nhiều giải pháp
Không bằng lòng với kết quả hiện tại, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng nhìn nhận những tồn tại để giải quyết một cách đồng bộ và có hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh theo hướng nâng cao tỷ trọng nội địa hóa và hàm lượng công nghệ, tri thức trong sản phẩm xuất khẩu chủ lực và dịch vụ hỗ trợ; đẩy mạnh khâu thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu thay vì chủ yếu là gia công hoặc xuất khẩu dạng sơ chế; nội địa hóa nguồn nguyên liệu trong nước bảo đảm theo yêu cầu của nhà sản xuất các mặt hàng xuất khẩu dễ bị ảnh hưởng trước biến động về giá cả xuất khẩu và tình trạng khan hiếm nguyên liệu của thị trường nguyên liệu thế giới; nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành trong việc chủ động sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong hội nhập, đồng thời đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Các ngành chức năng tham mưu các chính sách, cơ chế ưu tiên, hỗ trợ đủ sức hấp dẫn cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển; nỗ lực tạo tính liên kết, kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu.
Giai đoạn 2016-2020, chính quyền cùng các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục thực hiện các đề án, quy hoạch, kế hoạch theo Kế hoạch số 3904/KH-UBND ngày 28-12-2012 của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Dương thời kỳ 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, đồng thời thực hiện thêm một số nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới, cụ thể như sau:
Phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện 4 chương trình đột phá của Tỉnh ủy, trong đó trọng tâm là Đề án nâng cao tỷ trọng nội địa hóa và hàm lượng công nghệ, tri thức trong sản phẩm xuất khẩu chủ lực và dịch vụ hỗ trợ trong giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 theo Quyết định số 3242/QĐ-UBND ngày 24-11-2016 của UBND tỉnh; Đề án định hướng phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1084/QĐ-UBND ngày 3-5-2017 của UBND tỉnh nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu; triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bình Dương giai đoan 2016-2020, định hướng đến năm 2025 theo Quyết định số 1152/QĐ-UBND ngày 8-5-2017.
Cùng với đó, các ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ hàng hóa; định hướng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu sản phẩm trên các thị trường xuất khẩu; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa tại các thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng mà trọng tâm là các nước trong khối CPTPP, Liên minh kinh tế Á - Âu và Liên minh châu Âu; tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường nước ngoài thông qua lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường đã ký các thỏa thuận tự do thương mại.
Đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế tại các sở, ban, ngành và các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết; phổ biến kiến thức về rào cản kỹ thuật thương mại, các kiến thức khoa học công nghệ áp dụng trong sản xuất, kinh doanh, kiến thức về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu; thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics hỗ trợ xuất khẩu; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong ngành thuế, hải quan và công thương nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, xuất nhập khẩu và thu - hoàn thuế của doanh nghiệp.
Tiếp tục triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu trong chăn nuôi. Trong đó, quy hoạch phát triển vùng chăn nuôi tập trung ở 4 huyện phía bắc, hướng tới xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi sang các nước có tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Myanmar, Lào, Campuchia; tiếp tục phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng thương hiệu nông sản Bình Dương song song với việc đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu mới đối với các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đã xuất khẩu thành công của Bình Dương như: dưa lưới, cà tím, chuối.
TIỂU MY