Nâng cao tỷ trọng nội địa hóa các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh
(BDO) Trong những năm qua, Bình Dương nổi lên là một trong những trung tâm thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp của cả nước, với trên 33.000 doanh nghiệp trong nước và gần 3.390 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tính đến hết năm 2017). Bên cạnh đó, Bình Dương có nhiều khu, cụm công nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn.
Tăng cường kết nối các doanh nghiệp
Hiện Bình Dương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với hơn 3.000 dự án đầu tư đến từ 59 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, thu hút vốn FDI toàn tỉnh đạt 718 triệu USD, đạt 51,3% kế hoạch năm. Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như gỗ, dệt may, giày dép, điện tử… duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định hàng năm. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chiếm trên 13% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương 3.
Ảnh: XUÂN THI
Vấn đề lãnh đạo tỉnh rất quan tâm hiện nay là làm sao để ngành công nghiệp phát huy hết tiềm năng phát triển của mình. Trên thực tế, hiện ngành công nghiệp của tỉnh chủ yếu là làm gia công, chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, chưa có hàm lượng trí thức cao; các doanh nghiệp sản xuất thành phẩm vẫn chưa chủ động được nguồn vật tư nguyên liệu trong sản xuất hàng xuất khẩu. Đối với ngành dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, điện tử - những ngành chủ lực của tỉnh, hiện vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu…
Trong bối cảnh thế giới và trong nước đang đặt ra yêu cầu cần phải có những tư duy mới trong cách thức phát triển kinh tế theo hướng chất lượng và bền vững, vừa dựa vào phát huy các lợi thế của các vùng miền vừa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao… thời gian qua lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành chức năng đã và đang bàn nhiều giải pháp để đưa ra cách tiếp cận liên ngành, liên vùng trong tỉnh giúp các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm ở phạm vi toàn cầu. Theo đó, tỉnh đã trình và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025, tại Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 11-6-2014. Theo quy hoạch, mục tiêu tổng quát của ngành công nghiệp tỉnh nhà là phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tỷ lệ nội địa cao, ít thâm dụng lao động.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3242/ QĐ-UBND ngày 24-11-2016 về Kế hoạch thực hiện Chương trình số 24-CTr/TU của Tỉnh ủy về việc tiếp tục phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ sản xuất công nghiệp và đô thị Bình Dương giai đoạn 2016- 2020, trong đó giao Sở Công thương chủ trì nhiệm vụ xây dựng Đề án “Tăng tỷ trọng hàm lượng nguyên nhiên vật liệu nội địa trong sản phẩm xuất khẩu trên 20%, chiến lược của Bình Dương giai đoạn 2016-2020”. UBND tỉnh cũng đã chấp nhận việc lồng ghép, kết hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng các đề án “Tăng tỷ trọng hàm lượng tri thức trong sản phẩm xuất khẩu tăng trên 10% trong giai đoạn 2016-2020” và “Tăng tỷ trọng hàm lượng công nghệ đối với những sản phẩm, dịch vụ chủ yếu của tỉnh trên 20% trong giai đoạn 2016-2020”…
Giải pháp phát triển bền vững
Hiện UBND tỉnh đã giao Sở Công thương thực hiện Đề án “Nâng cao tỷ trọng nội địa hóa, hàm lượng công nghệ, tri thức trong các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, dịch vụ hỗ trợ chủ yếu của tỉnh về hàm lượng tri thức và công nghệ trong một số ngành sản xuất chủ lực và dịch vụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025”. Đề án này xác định chọn 4 nhóm ngành sản xuất chủ lực gồm điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may, gốm sứ và 2 ngành logistics và giáo dục - đào tạo.
Theo đề án, đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp thuộc chuỗi giá trị của 6 ngành: điện tử (điện thoại, máy tính, SP điện tử), cơ khí (chế tạo), dệt may, gốm sứ, logistics và giáo dục - đào tạo của Bình Dương và một số tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc chọn các ngành này đã dựa trên tiêu chí tỷ trọng đóng góp trong giá trị kim ngạch xuất khẩu và đóng góp trong giá trị sản xuất của Bình Dương. Đề án do trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TP.Hồ Chí Minh làm đơn vị tư vấn.
Theo ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, đề án triển khai trên cơ sở đánh giá thực trạng và khả năng tiến hành nội địa hóa/nâng cao hàm lượng tri thức và công nghệ tại một số ngành/sản phẩm chủ lực của Bình Dương và quan điểm, mục tiêu nội địa hóa/nâng cao hàm lượng tri thức và công nghệ cho các ngành sản phẩm chủ lực của tỉnh Bình Dương theo từng giai đoạn.
Mục tiêu chung của đề án nói trên là luận cứ khả năng gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, hàm lượng tri thức và công nghệ trong một số ngành sản xuất chủ lực và dịch vụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đề ra lộ trình và giải pháp thích hợp nhằm bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp trong ngành và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở khoa học đó, tới đây Sở Công thương sẽ tham mưu UBND tỉnh các giải pháp triển khai nội địa hóa/nâng cao hàm lượng tri thức, công nghệ phù hợp với các ngành lựa chọn.
TIỂU MY