Nâng cao trách nhiệm, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Thứ sáu, ngày 07/04/2023

(BDO)

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đoàn công tác của tỉnh tham quan nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Takako Việt Nam (VSIP I, TP.Thuận An). Ảnh: QUỐC CHIẾN

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo Cục Thống kê tỉnh, tăng trưởng (GRDP) quý I-2023 của Bình Dương chỉ tăng 1,15% so với cùng kỳ năm 2022, thấp nhất trong 2 năm trở lại đây. So với cùng kỳ năm 2022, tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh bị sụt giảm đến từ sự suy giảm của khu vực công nghiệp và xây dựng. Sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng sụt giảm. Các DN khẳng định đã chủ động, linh hoạt ứng phó; tích cực kiểm soát nguồn nguyên vật liệu, mở rộng tìm kiếm thêm khách hàng, bảo đảm thanh khoản, giữ chân được người lao động, đón cơ hội với những đơn hàng mới, tuy nhiên tình hình vẫn chưa khả quan.

Theo đánh giá của 415 DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được khảo sát, trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, có 14,4% DN cho rằng không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu; 51,9% DN cho rằng nhu cầu của thị trường thế giới thấp; 30% DN gặp khó khăn tài chính tiếp cận vốn vay, lãi suất vay vốn cao; 4,3% DN cho rằng gặp trở ngại trong chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, chia sẻ khó khăn phổ biến mà DN đang gặp phải đến từ việc thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, nhiều DN không được giải ngân, chuyển nợ xấu. Ông Liêm kiến nghị các sở, ngành cần hỗ trợ cho DN thiết thực hơn, từ đơn giản hóa các thủ tục, hạ lãi suất, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, gia hạn các khoản vay để DN vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tại phiên họp đánh giá tình hình tăng trưởng kinh tế quý I, nhiệm vụ giải pháp quý II-2023, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nhấn mạnh đây là thời điểm hết sức khó khăn cho các DN, hơn bao giờ hết phải thể hiện sự sát cánh, đồng hành, tích cực hỗ trợ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các DN. Trước mắt, các sở, ngành phải ngồi lại với nhau cùng tìm ra những giải pháp tốt nhất hỗ trợ DN về tài chính, thương mại, thanh toán điện tử; hỗ trợ DN thụ hưởng các chính sách về thuế, bảo hiểm và các vấn đề khác theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành; các ngân hàng phải hết sức tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn, tín dụng…

Quyết liệt các giải pháp

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có động thái giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ… cho các DN. Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Bình Dương, cho biết để khắc phục khó khăn, hỗ trợ DN, thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại, xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; đẩy mạnh giải ngân chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm. Tập trung vốn vay cho sản xuất, kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vốn vay.

UBND tỉnh đang quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các giải pháp chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho DN. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình

Ông Nguyễn Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, cho biết để chia sẻ khó khăn hỗ trợ tích cực cho DN, Cục Hải quan tỉnh hỗ trợ tốt DN thông quan nhanh hàng hóa, hoàn thuế kịp thời, tạo điều kiện để DN tái đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chi cục hải quan trong tỉnh luôn nắm sát tình hình, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, động viên các DN khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, tạo việc làm cho người lao động và đóng góp nguồn thu ngân sách.

Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc triển khai chỉ thị của UBND tỉnh về đầu tư công, chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương thi công và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 góp phần tạo động lực cho tăng trưởng. Đặc biệt, hỗ trợ DN thích ứng với tình hình mới, ổn định sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng phục hồi, tạo tiền đề bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh, lớn mạnh về quy mô và cải thiện tuổi thọ bình quân của DN.

Để hỗ trợ DN đi vào cụ thể hơn, UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành gấp rút triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ DN, người lao động như tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu lao động đáp ứng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động và nhu cầu tuyển dụng của DN; hỗ trợ DN đẩy mạnh thương mại điện tử; tiếp cận kênh thông tin về xuất khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới. Các địa phương tích cực thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; rà soát đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo thẩm quyền, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh ở địa phương.

Để khắc phục tình trạng tăng trưởng kinh tế thấp, UBND tỉnh đang quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các giải pháp chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 (kế hoạch 8,5 - 8,7%). UBND tỉnh yêu cầu từng cơ quan đoàn thể, các sở ngành, địa phương phải quyết liệt hành động, tập trung rà soát lại với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện tốt nhất chức trách của mình.
(Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh)

NGỌC THANH

Từ khóa: