Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công

Thứ sáu, ngày 27/08/2021

(BDO) Mặc dù chịu  ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng những kết quả ngành đầu tư công đạt được từ đầu năm đến nay sẽ tạo nền tảng quan trọng trong việc hoàn thành các công trình trọng điểm những tháng cuối năm, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Để kịp thời gỡ vướng những khó khăn cho đầu tư công năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp, đặc biệt nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đẩy nhanh tiến độ.


Bình Dương phấn đấu trong năm 2021 hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình quan trọng, có tác động lan tỏa mạnh mẽ. Trong ảnh: Công trình đường Thủ Biên-Đất Cuốc thực hiện “3 tại chỗ”, quyết tâm hoàn thành năm 2021

Giải ngân đạt 22% kế hoạch

Tính đến ngày 15-8, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công là  2.991 tỷ 831 triệu đồng, đạt 22% kế hoạch (KH). Ước giá trị giải ngân đến 31-12-2021 hơn 10.107 tỷ đồng, đạt 74,3% KH. Đối với tình hình thực hiện các công trình trọng điểm, tính đến 15-8 đã giải ngân 708 tỷ 604 triệu đồng, đạt 15,23% KH; ước giá trị giải ngân đến 30-9 là 1.384 tỷ 068 triệu đồng, đạt 29,7% KH; ước giá trị giải ngân đến 31-12 là 2.897 tỷ 114 triệu đồng, đạt 62,2% KH. Dự kiến sẽ khởi công một số công trình như Trung tâm hành chính huyện Bắc Tân Uyên, đường Lê Chí Dân TP.Thủ Dầu Một, cầu bắc qua sông Đồng Nai (Cầu Bạch Đằng 2),… 

Tỉnh phấn đấu trong năm 2021 hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình quan trọng, có tác động lan tỏa mạnh mẽ như công trình Giải phóng mặt bằng đường tạo lực Mỹ Phước - Bàu Bàng (đoạn từ đường 7B đến Khu Công nghiệp Bàu Bàng); Xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh; Bệnh viện đa khoa TX.Tân Uyên quy mô 200 giường (định hướng 400 giường),…

Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, cho biết: "Những kết quả ngành đầu tư công đạt được từ đầu năm đến nay sẽ tạo nền tảng quan trọng trong việc hoàn thành các công trình trọng điểm những tháng cuối năm qua đó hoàn thiện thêm một bước hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian sắp tới”.

Nhiều khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trong 8 tháng đầu năm 2021 còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, cho biết: "Trước tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện dự án, như không thể triển khai các bước họp dân, đo đạc lập hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng, hạn chế họp thẩm định dự án; các công trình đang thi công phải tạm dừng, tạm dừng khởi công mới do thiếu nhân công hoặc không đáp ứng “ba tại chỗ” và thực hiện giãn cách xã hội; không thể tổ chức mở thầu do tư vấn đấu thầu hoặc nhà thầu từ các địa phương khác, một số dự án bàn giao chậm do thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài hoặc có chuyên gia nước ngoài không được nhập cảnh,…. đã ảnh hưởng nặng nề đến tiến độ chung các dự án trong kỳ".

Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư: "Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, các hoạt động đầu tư công trong 8 tháng đầu năm đã bổ sung trực tiếp một lượng vốn đáng kể (hơn 3.300 tỷ đồng) vào nền kinh tế. Nếu thực hiện và giải ngân tốt phần kế hoạch này sẽ đóng góp vào duy trì tăng trưởng và đồng thời giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh".

Được biết, khối lượng đầu tư cần phải thực hiện năm 2021 là rất lớn do bổ sung hơn 3.200 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương và nguồn giải ngân chưa hết kế hoạch đầu tư công năm 2020 cho kế hoạch đầu tư năm 2021, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung so với kế hoạch giao đầu năm. Bên cạnh đó, năm 2021 tỉnh đồng thời thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 được kéo dài sang năm 2021 với tổng số vốn kéo dài là 1.250 tỷ đồng nên cũng ảnh hưởng đến năng lực tổ chức thực hiện và giải ngân dự án của các chủ đầu tư theo kế hoạch năm 2021.

Bên cạnh đó, các dự án khởi công mới, đặc biệt là dự án sử dụng ngân sách Trung ương chậm triển khai. Do quy trình phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách Trung ương và các thủ tục đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương kéo dài, ảnh hưởng đến việc giao vốn kế hoạch và giải ngân các dự án trong kế hoạch năm 2021.  Những khó khăn, vướng mắc cố hữu trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa được giải quyết như: trình tự, thủ tục thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án kéo dài do quy trình, thủ tục bồi thường, hỗ trợ phức tạp; sự đồng thuận của người dân chưa cao ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Mặt khác, do quá trình khảo sát, đo đạc, lập hồ sơ bồi thường và xây dựng đơn giá chưa tốt nên một số dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng đơn giá đền bù, điều chỉnh hướng tuyến dẫn đến phải lặp lại quy trình từ khâu chuẩn bị đầu tư.

"Một số dự án vướng các công trình kỹ thuật như hệ thống điện và trạm biến áp, cấp thoát nước phải di dời nhưng các đơn vị liên quan chưa thống nhất được phương án và kinh phí thực hiện di dời. Việc chuẩn bị hồ sơ đầu tư của một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn chưa chú trọng công tác quản lý chất lượng hồ sơ thiết kế, nhiều hồ sơ không đủ thành phần, nội dung và chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu. Bên cạnh đó, việc chậm thông qua nghị quyết về giao UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C dẫn đến chậm trong công tác chuẩn bị đầu tư, nhiều dự án chưa đủ điều kiện bố trí vốn thực hiện trong giai đoạn 2021-2025", ông Trước cho biết.

Nêu cao vai trò của người đứng đầu

“Để tập trung thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, sâu sát, đề ra các giải pháp, nâng cao trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, chủ đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công”, ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư cho biết.

Theo đó, Bình Dương sẽ tổ chức rà soát toàn bộ các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Kiên quyết cắt bỏ, tạm ngừng các dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả, các dự án khởi công mới theo tinh thần Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 23-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ để kịp thời trình HĐND tỉnh phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khi Trung ương giao vốn chính thức. 

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án và kết thúc dự án bằng các hình thức trực tuyến. Đẩy mạnh công tác lựa chọn nhà thầu bằng hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc, đi lại và hội họp giữa các địa phương. Bám sát và điều hành kế hoạch tiến độ thực hiện gắn với kế hoạch giải ngân từng dự án và kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. 

Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, cho biết: "Bình Dương sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trong đó xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu chủ đầu tư trong khảo sát, xác định quy mô, hướng tuyến, tổng mức đầu tư trong quá trình lập hồ sơ; trách nhiệm lựa chọn, đôn đốc, giám sát, chỉ đạo các nhà thầu trong từng khâu thiết kế, thi công, nghiệm thu đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện dự án; trách nhiệm đăng ký vốn gắn với việc hoàn thành kế hoạch đã đăng ký. Đồng thời nâng cao trách nhiệm Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương trong công tác thẩm định, góp ý, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng ngành, từng cấp. Triển khai kế hoạch thực hiện của Tổ kiểm tra giám sát công tác đầu tư công và hoạt động của Ban chỉ đạo theo Quyết định 1362 của UBND tỉnh".

Ông Trước cho biết thêm, nhằm tiếp tục tạo mọi điều kiện để các đơn vị thực hiện và phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư công  năm 2021, đối với các công trình vướng mắc trong việc di dời các công trình kỹ thuật hệ thống điện và trạm biến áp, cấp thoát nước Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy quyết định bố trí vốn đầu tư công để thực hiện công tác di dời hoặc cho các đơn vị quản lý công trình kỹ thuật vay vốn từ quỹ ngoài ngân sách để thực hiện.

Phương Lê