Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái
(BDO) Ngày Dân số (DS) thế giới (11-7) năm nay là dịp để Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tiếp tục thực hiện những công việc, những nỗ lực không ngừng nhằm bảo đảm quyền và lựa chọn cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Để hiểu hơn về ý nghĩa của Ngày DS thế giới năm nay cũng như những hoạt động hưởng ứng mà ngành DS tỉnh đang tập trung thực hiện, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Hồ Hoàng Vân, Chi cục phó Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh về một số nội dung liên quan.
Phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng cần được quan tâm nhiều hơn trong cuộc sống cũng như trong sinh hoạt gia đình
- Xin bác sĩ cho biết rõ hơn về chủ đề cũng như ý nghĩa của Ngày DS thế giới năm nay?
- Ngày DS thế giới là sự kiện thường niên, nhằm nâng cao nhận thức của toàn thế giới về các vấn đề DS toàn cầu; là dịp để nhân loại tự hào về những thành tựu trong lĩnh vực DS, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng DS và tuổi thọ của người dân.
Với mong muốn bảo đảm quyền và lựa chọn cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái để tạo ra một thế giới với tiềm năng vô hạn, UNFPA đã chọn chủ đề của Ngày DS thế giới năm nay là: “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta”.
Ý nghĩa mà Ngày DS thế giới năm nay hướng đến đó là nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy bình đẳng giới để tạo điều kiện thực hiện những giấc mơ của 8 tỷ người. Quá trình này cần bắt đầu từ việc lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, trẻ em gái và những người yếu thế, xây dựng luật pháp và chính sách để có thể giúp họ thực hiện các quyền của mình và đưa ra các quyết định đúng đắn.
Chỉ khi đó chúng ta mới có thể huy động được sức mạnh của một nửa dân số trên hành tinh để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay. Một thế giới đa dạng, thịnh vượng với 8 tỷ người đầy những tiềm năng vô hạn phụ thuộc vào điều này.
- Nhân Ngày DS thế giới năm nay cũng như từ chủ đề mà UNFPA đưa ra, ngành DS-KHHGĐ tỉnh có thông điệp gì muốn chuyển tải đến người dân trong tỉnh, thưa bác sĩ?
- Theo UNFPA, hiện nay phụ nữ và trẻ em gái chiếm 49,7% DS toàn cầu, nhưng những mong muốn của họ về cuộc sống, gia đình và việc làm vẫn bị bỏ qua khi bàn về các vấn đề nhân khẩu học và quyền của họ vẫn bị vi phạm trong các chính sách về DS. Điều này đã tạo ra một thế giới đang loại trừ, bỏ qua và hạn chế tiềm năng của mỗi cá nhân trên hành tinh của chúng ta. Nó sẽ làm cho tất cả chúng ta, chứ không chỉ riêng phụ nữ và trẻ em gái không được hưởng một tương lai thịnh vượng, hòa bình và bền vững hơn.
Và nguồn gốc của vấn đề này chính là bất bình đẳng giới. Vì thế, một trong những thông điệp mà chúng tôi muốn chuyển tải đến người dân trên địa bàn tỉnh nhân Ngày DS thế giới năm nay đó là: Đầu tư vào bình đẳng giới hôm nay là đầu tư cho tương lai chung của chúng ta.
UNFPA đã khẳng định, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái để họ thực hiện các quyền và đưa ra các quyết định, đặc biệt liên quan đến quyền tự quyết về cơ thể sẽ góp phần tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đó là một thế giới mà người dân có thể sống một cuộc sống không bị bạo lực và có thể phát huy đầy đủ tiềm năng cá nhân.
Quyền của phụ nữ cũng là quyền con người. Vì vậy, tăng cường bình đẳng giới là các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực thi quyền con người ở mức độ cao nhất có thể.
- Hưởng ứng Ngày DS thế giới năm nay, ngành DS-KHHGĐ tỉnh sẽ tập trung vào những hoạt động cụ thể nào, thưa bác sĩ?
- Hưởng ứng Ngày DS thế giới năm 2023, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động truyền thông hưởng ứng với nhiều hoạt động đã và đang được triển khai từ tỉnh đến các địa phương.
Trước hết, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với các ban ngành, đoàn thể liên quan tăng cường truyền thông về chính sách DS trong tình hình mới đến với người dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, chi cục còn phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tỉnh, như: Báo Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, bản tin sức khỏe Bình Dương thực hiện các phóng sự, chuyên mục, chương trình truyền thanh về công tác DS và phát triển nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về DS trong tình hình mới cũng như các văn bản chỉ đạo, các chính sách của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về công tác DS-KHHGĐ.
Công tác truyền thông còn được đẩy mạnh thông qua các loại hình truyền thông trên nền tảng internet, các mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok, YouTube) theo hướng dẫn của Tổng cục DS-KHHGĐ.
Bên cạnh việc tăng cường các hoạt động truyền thông nêu trên, ở cấp tỉnh, chúng tôi còn tập trung cho các hoạt động truyền thông trực quan như: Treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền trên các tuyến đường chính trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, chạy đèn Led trước Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh. Ở cấp huyện, tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương sẽ có những hoạt động như: Mít-tinh, hội nghị, tọa đàm, treo băng rôn, xe hoa tuyên truyền hưởng ứng, cấp phát các sản phẩm truyền thông, tư vấn (tờ rơi, khẩu hiệu…).
- Xin cảm ơn bác sĩ!
HỒNG THUẬN (thực hiện)