Nâng cao “sức đề kháng” cho học sinh, sinh viên trước vấn nạn ma túy
(BDO) Theo nhận định từ cơ quan chức năng, hiện nay ma túy và các loại chất gây nghiện được “ngụy trang” tinh vi, ẩn nấp dưới vỏ bọc là các loại kẹo, bánh, nước uống… để nhắm vào học sinh, sinh viên. Vì vậy, việc nâng cao “sức đề kháng” của nhóm đối tượng này trước vấn nạn ma túy luôn được các cơ quan, ban ngành thực hiện thường xuyên.
Ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường
Đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04) Công an (CA) tỉnh, cho biết thời gian qua các phương tiện truyền thông đã đưa một số thông tin về việc kẻ gian đến cổng trường học rồi cho các em học sinh bánh, kẹo, bỏng ngô, nước uống, sau khi ăn xong, do có ma túy khiến các em bị đau đầu, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu…
Một buổi tuyên truyền về tác hại của ma túy tại trường học
Để giúp học sinh nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa trước ma túy, cán bộ Phòng PC04 đã phối hợp với CA các địa phương, trường học tổ chức tuyên truyền về vấn đề này tại nhà trường. Nội dung tuyên truyền là về hiểm họa ma túy, tác hại của ma túy đối với sức khỏe, tinh thần; trang bị các kỹ năng cần thiết để phòng tránh ma túy đối với lứa tuổi học sinh. Song song đó, lực lượng Cảnh sát phòng chống ma túy cũng sẽ tăng cường kiểm tra để phát hiện các loại thực phẩm, đồ uống có chứa chất ma túy “núp bóng” được bày bán trước cổng trường để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Bà Nguyễn Thanh Thảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết thực hiện Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương tham gia tuyên truyền và phòng, chống ma túy cho thanh thiếu nhi giai đoạn 2022-2025”, Tỉnh đoàn đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện đề án và tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng, trang bị kiến thức về phòng, chống ma túy. Theo đó, ngoài những buổi tuyên truyền trực tiếp đến học sinh, sinh viên và thanh niên công nhân, BCĐ còn tổ chức hội thi sân khấu hóa tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy; đồng thời xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy tại các Chi đoàn, Chi hội, CLB Thanh niên tại các khu nhà trọ; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các CLB “Bạn đồng hành”, hỗ trợ thanh niên có nguy cơ cao và thanh niên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Để hoạt động tuyên truyền có sự lan tỏa, các cấp bộ Đoàn đã sáng tạo, đổi mới công tác này với các hoạt động, như: Tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, phát hơn 20.000 tờ rơi tuyên truyền; tổ chức 226 buổi nói chuyện lồng ghép tuyên truyền về tệ nạn ma túy đến thanh niên công nhân, người lao động các khu nhà trọ; phối hợp tổ chức hơn 180 buổi tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về phòng chống ma túy, tác hại thuốc lá điện tử vàcác tệnạn xãhội cho đoàn viên, thanh niên học sinh trong trường học.
Một trong những điểm nổi bật của đề án này là các địa phương đã tổ chức 22 phiên tòa giả định với sự tham dự của hàng ngàn học sinh. Phiên tòa được xây dựng như một phiên tòa thực tế, qua đó giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về hành vi phạm tội, tác hại của ma túy, không mua bán, tàng trữ, sử dụng vàkhông lôi kéo người khác sử dụng ma túy.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, các bạn trẻ nên cảnh giác trước “bóng cười”, một loại chất gây nghiện mới. Ảnh: THANH QUANG
Giúp học sinh nâng cao nhận thức
Qua trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh, cho biết thực hiện Chương trình số 128-CTr/ TU của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học đưa nội dung nhận diện, phòng chống ma túy và tác hại của ma túy vào giảng dạy trong chương trình học chính khóa và lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động giáo dục kỹ năng, giáo dục trải nghiệm và các hoạt động khác trong nhà trường.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh, hàng năm 100% các cơ sở giáo dục, trường học trong tỉnh đều tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng, chống ma túy cho học sinh với các hình thức, nội dung phù hợp. Qua các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về sự nguy hiểm, tác hại của ma túy đối với cá nhân, gia đình và xã hội; giúp ngăn ngừa được nguy cơ ma túy xâm nhập vào trong học đường.
“Đến nay, 100% nhà trường trên địa bàn tỉnh đều thành lập, kiện toàn BCĐ phòng, chống ma túy gắn với nhiệm vụ, hoạt động của nhà trường trong từng năm học. Tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đều thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin, phản ánh, tư vấn, hỗ trợ và có giải đáp phù hợp, kịp thời những vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống ma túy trong trường học”, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, cho biết thêm.
Phát huy vai trò của đoàn viên, học sinh trong phòng, chống ma túy Được biết, Công an tỉnh và Sở GD&ĐT sẽ tổ chức lễ ký kết kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp số 03/CT-PH-BCA-BGDĐT về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024-2030. Sau chương trình ký kết, lực lượng CA sẽ tăng cường tuyên truyền tại các trường học nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục về tác hại và hậu quả của ma túy. Qua đó, phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trong công tác phòng, chống ma túy; kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy, giữ gìn an ninh trật tự, tạo môi trường an toàn lành mạnh trong các cơ sở giáo dục. |
QUỲNH ANH