Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt
(BDO)
Người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên mua sắm những sản phẩm giảm giá, khuyến mãi.
Ngày 6/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tổ chức hội nghị đánh giá kết quả Cuộc vận động năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động nêu rõ năm 2022, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đạt nhiều kết quả mới, quan trọng với những cách làm hay, sáng tạo, đưa hàng hóa Việt tiếp cận gần hơn với người dân.
Thái độ, sự quan tâm của người tiêu dùng Việt đối với các sản phẩm nội địa cũng được nâng cao. Nhiều doanh nghiệp Việt vừa sản xuất hàng Việt, vừa "tự hào sử dụng hàng Việt," tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, trở thành sự lựa chọn của đông đảo người tiêu dùng Việt Nam cũng như xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội nghị lần này nhằm đánh giá những kết quả nổi bật, trao đổi, chia sẻ những mô hình hay, cách làm sáng tạo, những hạn chế, khó khăn trong triển khai thực hiện Cuộc vận động; từ đó thảo luận nhằm tìm giải pháp khắc phục các hạn chế liên quan và các vấn đề đặt ra đối với việc thực hiện cuộc vận động trong tình hình mới.
Thông tin về kết quả triển khai Cuộc vận động năm 2022, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy nêu rõ mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 trong hơn 3 năm, song cuộc vận động vẫn được triển khai đồng bộ, sâu rộng.
Từng cấp, ngành đã có chương trình, kế hoạch và giải pháp thiết thực triển khai Cuộc vận động, qua đó thu hút sự quan tâm, đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Trước hậu quả của dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi linh hoạt phương thức sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hàng hóa Việt Nam vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, qua đó góp phần tạo việc làm cho người lao động; giữ vững và phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường...
Các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức trên 130.000 cuộc tuyên truyền với trên 6,9 triệu lượt người tham dự; tổ chức được hơn 1.200 nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu; phối hợp tổ chức gần 3.000 hội chợ, triển lãm, nhiều chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng được trên 2.000 mô hình "Tự hào hàng Việt," "Câu lạc bộ hàng Việt," "Điểm bán hàng Việt," "Nhận diện hàng Việt," "Gian hàng bình ổn giá."
Các đơn vị, địa phương tổ chức thành công nhiều chương trình, hội chợ, tuần hàng Việt giới thiệu, xúc tiến thương mại, điểm bán sản phẩm OCOP, điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi như "Tự hào hàng Việt Nam," "Tinh hoa hàng Việt Nam"... , đưa các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chất lượng của các doanh nghiệp, đơn vị trong nước đến người tiêu dùng.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, ông Hoàng Công Thủy cho biết Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính về tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới; Nghị quyết số 06/NQ-MTTW-ĐCT ngày 3/7/2020 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi, phát triển nền kinh tế đất nước và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn mới.
Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác tuyên truyền về Cuộc vận động sẽ tiếp tục được phát huy; song song với việc vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam; kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt cuộc vận động ở địa phương, đơn vị, cơ sở; rà soát, ban hành bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khuyến khích và định hướng tiêu dùng của nhân dân.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học, đổi mới quy trình quản lý, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ; triển khai các ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chủ động xây dựng và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm; nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt; phát huy vai trò đầu tàu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; phát triển, mở rộng hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm tiện lợi cho người tiêu dùng./.
Theo TTXVN