Nâng cao quản lý và xây dựng thành phố thông minh từ giải pháp công nghệ
(BDO) Thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) cũng như việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng thành phố thông minh, tỉnh Bình Dương có nhiều cơ hội áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất thông qua việc chuyển giao công nghệ từ nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh giáo dục và nâng cao chức năng quản lý nhà nước thông qua việc trao đổi, tư vấn của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới.
Triển khai đồng bộ phần mềm quản lý y khoa sẽ góp phần quản lý tốt lĩnh vực y tế, đồng thời tạo điều kiện cho bệnh nhân khi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến trên. Trong ảnh: Kê đơn thuốc thông qua phần mềm quản lý tại Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo. Ảnh: H.PHẠM
Chuyển giao công nghệ từ “giáo dục”
Trong nền kinh tế thị trường như hiện nay thì các doanh nghiệp (DN) luôn đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu. Để đạt được mục tiêu đó thì DN phải tăng cường khả năng sáng tạo, đổi mới. Với điều kiện của cuộc cách mạng 4.0 thì việc nắm vững khoa học công nghệ chính là “chìa khoá” của sự thành công. Ông Nguyễn Bình Phước, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN), cho rằng phải thấy việc đổi mới máy móc thiết bị cũng đồng nghĩa với việc tăng cường năng lực sản xuất của DN cả về số lượng và chất lượng.
Tại Bình Dương hiện nay, việc đầu tư công nghệ vào sản xuất chủ yếu được DN “tự thân vận động” từ việc lựa chọn công nghệ đến việc tự chủ nguồn tài chính. Về thị trường chuyển giao công nghệ, theo đánh giá của Sở KHCN thì hiện nay chủ yếu từ các DN FDI, với hình thức các công ty mẹ ở nước ngoài chuyển giao dây chuyền sản xuất, công nghệ cho các công ty con hoặc nhà máy ở Bình Dương.
Trao đổi tại buổi tọa đàm quốc tế “Chuyển giao công nghệ Nga và các giải pháp ứng dụng cho nhà máy thông minh, thành phố thông minh” tại trường Đại học Bình Dương tháng 5-2018 vừa qua, các chuyên gia đến từ trường Đại học Bách khoa Saint Petersburg (Nga) cũng nhận định, ngoài việc chuyển giao công nghệ từ DN thì việc chuyển giao công nghệ từ giáo dục cũng quan trọng, thông qua hoạt động nghiên cứu KHCN của các sinh viên sẽ đáp ứng được nhu cầu của DN và phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, từng lĩnh vực.
“Hoạt động KHCN là hoạt động không thể thiếu trong các cơ sở giáo dục đại học, sinh viên với nhiều ý tưởng sáng tạo và tư duy mới là tiềm năng cho các dự án khởi nghiệp, phát triển KHCN. Đồng thời, qua hoạt động này tạo ra các sản phẩm trí tuệ nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm của các ngành và địa phương, đặc biệt là trong việc triển khai xây dựng thành phố thông minh Bình Dương”, ông Phước nhấn mạnh.
Nâng cao chức năng quản lý
Theo đánh giá của các chuyên gia IBM qua chương trình tình nguyện viên quốc tế IBM CSC lần thứ 15 tại Bình Dương, hiện nay các sở, ngành của tỉnh Bình Dương mặc dù đã đầu tư mạnh trong việc quản lý bằng KHCN, tuy nhiên mức độ áp dụng, khai thác vẫn chưa cao, việc quản lý vẫn bằng giấy tờ là chính. Bà Lee Helgeson, chuyên gia IBM Hoa Kỳ, cho biết hệ thống y tế tại Bình Dương thu thập dữ liệu, báo cáo chủ yếu dùng các phần mềm văn phòng như word, excel, pdf. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin chủ yếu mang tính nội bộ trong việc khám chữa bệnh, ra đơn thuốc…, chưa tạo được kết nối giữa các cơ sở y tế, cũng như giữa các cơ sở y tế với cơ quan quản lý.
Để giải quyết vấn đề này, qua các buổi làm việc giữa các chuyên gia IBM với Trung tâm Công nghệ thông tin - Lưu trữ Tài nguyên Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) và Sở Y tế, các chuyên gia đều khuyến nghị các đơn vị nên dùng chung một chương trình thống kê, quản lý theo đặc điểm của từng ngành.
Ông Sree Harshav, chuyên gia công nghệ thông tin IBM Ấn Độ, cho biết để quản lý hệ thống y tế thì ngành y tế nên sử dụng một chương trình thống nhất từ tỉnh đến địa phương và đây cũng là cơ sở để tạo sự kết nối với các cơ sở y tế trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi khi chuyển bệnh nhân từ Bình Dương đến các bệnh viện trong khu vực; đồng thời sẽ góp phần giảm chi phí và mang lại hiệu quả trong quá trình tập trung hóa, tích hợp dữ liệu. Đây cũng là một trong những tiện ích trong việc triển khai xây dựng thành phố thông minh. Ngoài việc tư vấn, đưa ra các giải pháp trong việc xử lý, khai thác dữ liệu, quản lý thì các chuyên gia IBM cũng đề nghị các đơn vị quản lý nên tăng cường quản lý bằng công nghệ trong việc kết nối, trích xuất liên thông dữ liệu trong cùng hệ thống.
Nhằm nâng cao việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến, tháng 5-2018 vừa qua, giữa trường Đại học Bình Dương và trường Đại học Bách khoa Saint Petersburg đã ký kết biên bản ghi nhớ thành lập Trung tâm Sáng tạo KHCN. Việc ký kết này sẽ góp phần thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ của Nga cho Việt Nam thông qua trường Đại học Bình Dương và xây dựng các giải pháp ứng dụng của hai trường phục vụ xây dựng nhà máy thông minh, thành phố thông minh tại Bình Dương.
KHÁNH ĐĂNG