Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Thứ tư, ngày 16/11/2022

(BDO) Năm 2006, Quốc hội đã ban hành Luật Bình đẳng giới với mục tiêu là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực; tiến tới BĐG thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

BĐG hiểu theo cách cụ thể nhất là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển. Tuy vậy trên thực tế, nhận thức về BĐG trong thực tiễn đời sống xã hội vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những định kiến, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nữ giới. Đâu đó vẫn còn hiện tượng phân biệt đối xử về giới khi hạn chế vai trò, vị trí nữ giới, gây bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong đời sống gia đình. Thậm chí, trong ứng xử giữa nam và nữ, BĐG có khi còn hay bị nhầm lẫn với câu cửa miệng “ưu tiên” phụ nữ: “Lady first” (phụ nữ là số 1); trong khi thực chất về BĐG là nam và nữ có vị trí, vai trò ngang nhau!

Do đó, một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy BĐG là cần nâng cao nhận thức về BĐG thông qua công tác tuyên truyền. Thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và BĐG phải được đưa vào chương trình giáo dục trong nhà trường, trong các hoạt động của cơ quan, tổ chức và cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, các hoạt động chăm lo, chương trình phát triển cho nữ giới cũng cần được chú trọng, qua đó giúp phụ nữ ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống gia đình và xã hội, góp phần cụ thể hóa mục tiêu về BĐG.

ĐÀM THANH

Từ khóa: