Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về phòng, chống bệnh dại
(BDO) Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố; 674.888 người bị động vật cắn đã phải điều trị dự phòng bệnh dại, tăng 45% so với năm 2022 (trong đó 80% trường hợp là do chó, 18% do mèo, còn lại do các loại động vật khác như khỉ, chuột, dơi).
Trong 2 tháng đầu năm 2024, đã có 18 người tử vong do bệnh dại ở 14 tỉnh, thành phố (tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023, số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người).
Chó không rọ mõm tại khu vực người dân qua lại.
Tại tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 1/1/2024 đến ngày 19/3/2024, dịch bệnh dại trên chó đã phát sinh. Cơ quan chức năng tiêu huỷ 8 con chó mắc bệnh và nghi mắc bệnh dại tại huyện Cư Kuin và thị xã Buôn Hồ. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong 3 tháng đầu năm, đã có 4 trường hợp người chết nghi do mắc bệnh dại (huyện Krông Pắk 3 người; Krông Buk 1 người). Các trường hợp tử vong đều do chủ quan không đi tiêm phòng vaccine dại sau khi bị chó cắn. Nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người trong thời gian tới là rất cao.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn vừa ký và ban hành công điện gửi các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại.
Để ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh dại do động vật cắn, số ca tử vong do bệnh dại, tiến tới chấm dứt tình trạng động vật có khả năng gây bệnh dại, đặc biệt là chó, mèo thả rông, gây nguy hiểm cho người, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền lưu động đến tận xã, phường, thị trấn về quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh dại; tổ chức giám sát, cảnh báo, chia sẻ thông tin, điều tra, xử lý ổ dịch bệnh dại, đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật; thành lập Đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo đạt thấp và nơi có nhiều người chết vì bệnh dại…
Sở Y tế cần chỉ đạo các đơn vị có liên quan về chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tiêm phòng vaccine dại và huyết thanh kháng dại cho người.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh yêu cầu, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh; hướng dẫn, yêu cầu các chủ hộ nuôi chó, mèo và động vật khác có nguy cơ gây bệnh cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nuôi, nhốt, quản lý.
Khi người dân đưa chó, mèo ra nơi công cộng, nơi đông người, khu dân cư, chung cư phải quản lý và thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người xung quanh (đặc biệt đối với chó phải được đeo rọ mõm, có dây xích và người dắt) và bảo đảm vệ sinh môi trường. Đặc biệt, các đơn vị cần tổ chức thực hiện nghiêm việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn chó, mèo trên từng địa bàn được tiêm phòng dại trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Công điện nêu rõ, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân, người đứng đầu chính quyền các cấp còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại, nhất là ở những nơi xảy ra nhiều trường hợp người chết vì bệnh dại và nơi có tỷ lệ tiêm vaccine dại cho tổng đàn chó đạt thấp…
Còn tại thành phố Cần Thơ, ngày 8/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Cần Thơ phối hợp cùng UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức lễ phát động tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo.
Thành phố Cần Thơ có 28.202 hộ nuôi chó với tổng đàn 47.806 con. Xu hướng chăn nuôi chó tại Cần Thơ chủ yếu là nuôi chó kiểng, chó giữ nhà. Đàn chó tập trung nhiều ở quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ và Cái Răng. Tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo ở khu vực thành thị đạt yêu cầu, còn tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo nuôi ở vùng nông thôn là rất thấp.
Là chủ hộ có nuôi chó, ông Nguyễn Thanh Thảo, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh cho biết, gia đình luôn chấp hành nghiêm việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó.
Theo ông Thảo, ngoài các đợt được cán bộ thú y đến nhà tiêm phòng bệnh dại cho chó, thì các thành viên trong gia đình luôn chủ động đưa chó đi tiêm phòng ở cơ sở thú y tư nhận. Ý thức được việc phải giữ an toàn cho người khác khi nuôi chó nên gia đình thường xích chó, không thả rông ngoài đường, tránh trường hợp chó cắn người.
Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 1.800 hộ nuôi chó mèo với tổng đàn 3.200 con. Huyện Vĩnh Thạnh là địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo thấp chỉ đạt 78%, chưa đạt yêu cầu phòng chống dịch bệnh Dại đề ra.
Theo ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, công tác tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của một bộ phận hộ chăn nuôi còn thấp không chủ động tiêm phòng cho chó, mèo; chưa quản lý tốt đàn chó nuôi, không xích, nhốt bắt, giữ chó khi thú y cơ sở đến tiêm phòng. Người trực tiếp đi tiêm phòng chưa được trang bị công cụ để bắt giữ chó. Vì vậy, nguy cơ chó cắn người trên địa bàn vẫn còn xảy ra nhiều và tiềm ẩn dịch bệnh dại.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Cần Thơ, việc quy định bắt và xử lý chó thả rông tại các quận, huyện chưa được chú trọng, chưa đủ sức răng đe các hộ chăn nuôi dẫn đến chó cắn người vẫn còn xảy ra nhiều.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ, từ đầu năm đến cuối tháng 2/2024, thành phố ghi nhận 3.407 lượt người bị chó, mèo cào, cắn (gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận) đến tiêm dự phòng vaccine và huyết thanh kháng dại.
Ngoài các đợt tiêm phòng định kỳ do Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với địa phương thực hiện: đợt 1 (từ ngày 8/4 - 25/6) và đợt 2 (từ ngày 1/9 - 25/11), lực lượng Thú y cũng thường xuyên rà soát và thực hiện tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo nuôi mới, những nơi tiêm chưa đạt yêu cầu; đàn chó, mèo hết thời gian miễn dịch hoặc khi có yêu cầu của người chăn nuôi nhằm đảm bảo tối thiểu tiêm phòng trên 80% tổng đàn trên từng địa bàn quận, huyện.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cần Thơ cũng đề nghị UBND quận, huyện quan tâm chỉ đạo tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong chăn nuôi, tiêm phòng vaccine dại, quản lý chó, mèo; xem xét thành lập đội chuyên trách bắt và xử lý chó thả rông trên từng địa bàn theo quy định của pháp luật.
Tính đến thời điểm này, Cần Thơ chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại trên chó, mèo nhưng thành phố Cần Thơ vẫn tăng cường biện pháp phòng ngừa. Trong 3 tháng đầu năm 2024, các địa phương trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã triển khai tiêm 5.000 liều vaccine phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo. Thành phố quyết tâm tiêm vaccine cho đàn chó, mèo đạt hoặc vượt tỷ lệ năm 2023.
Năm 2023, trên 40.200 con chó, mèo trên địa bàn thành phố Cần Thơ được tiêm vaccine phòng bệnh dại, đạt 84,11% tổng đàn.
Theo TTXVN