Nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh niên

Thứ bảy, ngày 31/10/2015

(BDO)  Nhằm tăng tính tương tác trong việc thực hiện đề án Nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh niên, giai đoạn 2014-2018, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức các chương trình tư vấn pháp luật (TVPL) lưu động trên nhiều địa bàn với những nội dung sinh động và hướng đến nhiều đối tượng thanh niên.

Nối tiếp chương trình hành động từ đề án “Nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh niên tỉnh Bình Dương” giai đoạn 2009-2013, đề án “Nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh niên” giai đoạn 2014-2018 tiếp tục đưa các chương trình phổ biến pháp luật cho thanh niên công nhân (TNCN), thanh niên vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thanh thiếu niên chậm tiến. Đề án nhằm đẩy mạnh và phát huy hiệu quả hoạt động của phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hoạt động được xây dựng bởi các nội dung là những tình huống pháp luật cụ thể, gần gũi, phù hợp với công việc và cuộc sống của đoàn viên, thanh niên, hội viên và nhân dân, từ đó giúp mọi người có thể áp dụng vào cuộc sống một cách linh hoạt và phù hợp nhất.

Phiên tòa giả định tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình tại Công ty Cổ phần Cao su Trường Phát, huyện Phú Giáo. Ảnh: T.LÊ

Đề án “Nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh niên” giai đoạn 2014-2018 đã vạch ra phương hướng cụ thể. Do vậy, để nội dung về pháp luật không khô cứng và tuyên truyền không bị nhàm chán, Ban chỉ đạo đề án đã tổ chức các chuyến đi TVPL lưu động được tổ chức linh hoạt phù hợp với đối tượng tham gia của từng địa phương. Đó là chuyến đi về các xã Tân Hiệp, thị trấn Phước Vĩnh, Công ty Cổ phần Cao su Trường Phát (huyện Phú Giáo), Nông trường Cao su Bến Súc (huyện Dầu Tiếng)... trong những ngày tháng 10 vừa qua.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Bí thư Chi đoàn cơ sở Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, đơn vị thường xuyên tổ chức các phiên tòa giả định trên nhiều địa bàn dân cư chia sẻ: “Đội tuyên truyền pháp luật Chi đoàn cơ sở TAND tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật thông qua tình huống giả định là việc đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật của Đoàn Thanh niên. Chúng tôi muốn gửi đến mọi người thông điệp rằng, phiên tòa giả định không phải để người dân thỏa mãn trí tò mò mà để hiểu biết về pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác cũng như nhấn mạnh vào hình phạt để răn đe những đối tượng thanh niên hư hỏng…”.

Song song đó, để có cách làm chuyên nghiệp, Tỉnh đoàn đã phối hợp với trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh tổ chức các buổi tuyên truyền, TVPL lưu động. Nội dung chương trình là tạo các tình huống giả định thông qua các tiết mục kịch diễn đàn, phiên tòa giả định, kết hợp báo cáo chuyên đề và giải đáp của luật sư và giảng viên luật của trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh. Đó là những nội dung như tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho đối tượng là học sinh; phiên tòa giả định tuyên truyền về Luật Hôn nhân - Gia đình và Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho TNCN… Bên cạnh đó, chương trình cũng khích lệ đoàn viên thanh niên đặt câu hỏi xoay quanh về nội dung nhằm tạo sự tương tác và đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Tỉnh đoàn, Trưởng Ban chỉ đạo đề án cho biết, giai đoạn 2009-2013, đề án đã mang lại kết quả thiết thực, đáp ứng được việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho thanh niên trong toàn tỉnh từ các chương trình như tổ chức các hội thi, tuyên truyền tìm hiểu pháp luật lao động, môi trường, an toàn giao thông; các cuộc thi viết về pháp luật bảo vệ môi trường, pháp luật lao động; phối hợp với 11 văn phòng luật sư đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức TVPL miễn phí cho đoàn viên, thanh niên; tổ chức hơn 135 chương trình tuyên truyền, TVPL lưu động tại các huyện, thị với nhiều nội dung phong phú, hơn 135 phiên tòa giả định, hơn 300 kịch diễn đàn..., đã thu hút trên 41.000 lượt đoàn viên, thanh niên và người dân tham gia…

 THANH LÊ