Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ năm, ngày 27/01/2022

(BDO) Ngày 7-1-2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ- CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là những văn bản pháp luật quan trọng góp phần đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.


Bình Dương triển khai nhiều hoạt động chung tay bảo vệ môi trường với sự tham gia tích cực của các cấp ngành, đoàn thể, người dân và cộng đồng doanh nghiệp

Từ những đề tài khoa học

Biến đổi khí hậu là chủ đề đang được cả thế giới quan tâm. Trên cơ sở những nghiên cứu, khảo sát và dự báo được các nhà khoa học về biến đổi khí hậu hàng đầu thế giới dày công thực hiện, Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế đề nghị mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ cố gắng đề cao vai trò, trách nhiệm của mình vào mục tiêu chung về ứng phó biến đổi khí hậu cho toàn thể nhân loại.

Là quốc gia có phần lớn diện tích gắn liền với biển cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt, từ lâu Việt Nam cũng chủ động đưa ra lộ trình nghiên cứu, khảo sát và đánh giá nguy cơ về biến đổi khí hậu đối với các vùng miền, địa phương. Để có được những kết quả sát thực nhất, thời gian qua Chính phủ đã giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương, các trường đại học, học viện và các nhà khoa học đẩy nhanh hoạt động nghiên cứu, khảo sát. Từ những dữ liệu khoa học, Bộ TN&MT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ- CP về quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Ngay sau đó, Bộ TN&MT đồng thời cũng ban hành Thông tư 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó biến đổi khí hậu.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TN&MT, thời gian qua Bình Dương cũng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, khảo sát và đánh giá tình hình thực tế về biến đổi khí hậu trên địa bàn. Thông qua những đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung liên quan, Sở TN&MT đã có thêm cơ sở khoa học để tham mưu UBND tỉnh ban hành những văn bản, quy định về hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thông tin từ Hội đồng Khoa học tỉnh cho biết trong giai đoạn 2015 đến nay, phần lớn những đề tài nghiên cứu khoa học của tỉnh đều tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội, như: Ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh gắn liền xây dựng thành phố thông minh; nghiên cứu, đánh giá về môi trường sinh thái và trữ lượng các loại tài nguyên khoáng sản gắn liền các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu… Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, nhà trường, nhà khoa học (ba nhà) chung tay nghiên cứu, thực hiện các dự án lớn theo định hướng phát triển chung mà tỉnh nhà đang hướng tới.

Phát triển năng lượng tái tạo

Trong phiên họp thường kỳ mới đây, Chính phủ đã xác định lộ trình thực hiện giảm nhẹ phát thải khínhàkính Việt Nam đến năm 2030 được chia theo 2 giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030. Trên cơ sở lộ trình được xác định rõ ràng theo thực tế phát triển từng giai đoạn, Chính phủ giao các bộngành, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về hoạt động bảo vệ môi trường. Mục tiêu trọng tâm, cốt lõi của chương trình là cố gắng kiềm chế, hạn chế và hướng tới mục tiêu giảm tối thiểu lượng phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.

Là một trong những địa phương có nền kinh tế - xã hội phát triển năng động với nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung quy mô, hiện đại, thời gian qua Bình Dương tự xác định cần tập trung đẩy mạnh các giải pháp cải tạo, cải thiện và gìn giữ môi trường sống. Trên thực tế, từ nhiều năm nay tỉnh đã luôn chủ động trong công tác bảo vệ, gìn giữ môi trường sống vẹn toàn ở trong, ngoài các khu, cụm công nghiệp và cộng đồng dân cư. Trải qua nhiều năm kiên trì với các giải pháp nhằm cải tạo, cải thiện và gìn giữ môi trường sống, đến nay Bình Dương cơ bản đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.

Cụ thể, hiện nay các chỉ số an toàn đối với các thành tố như không khí, đất, các loại nước… trên địa bàn tỉnh hầu hết đều bảo đảm trong ngưỡng cho phép. Các chỉ số về môi trường của các địa phương phía nam của tỉnh, nơi các khu, cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy lên đến 100% cũng đã và đang được cải thiện. Trong khi đó, môi trường sống ở các địa phương phía bắc như Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên… luôn được bảo đảm trong lành, phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với gìn giữ, bảo vệ môi trường.

Một điều đáng chú ý nữa trong chiến lược bảo vệ môi trường mà Bình Dương đang hướng tới trong giai đoạn tới là huy động, kêu gọi các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng tập trung nghiên cứu, phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Nếu khai thác tốt, nguồn năng lượng tái tạo sẽ giúp nền kinh tế - xã hội Bình Dương tạo nên cú hích mới, sớm gia nhập cuộc chơi phát triển bền vững cùng hệ sinh thái năng lượng xanh, sạch.

Từ thực tế sống động dễ dàng nhận thấy lãnh đạo tỉnh đang dành sự quan tâm lớn đối với chiến lược bảo vệ môi trường gắn liền phát triển nền kinh tế - xã hội thông minh, bền vững. Ngoài các hoạt động chủ động ứng phó, phòng ngừa với biến đổi khí hậu như đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đê bao, cống ngăn triều tại những khu vực có nguy cơ cao ngập lụt, đẩy mạnh ứng dụng số hóa vào công tác quan trắc khí tượng thủy văn… thời gian qua tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và dân cư chung tay cải tạo, cải thiện và gìn giữ môi trường sống tươi đẹp. Hoạt động này đã và đang được triển khai một cách sâu rộng, đang tạo nên một phong trào xuyên suốt, tự giác.

ĐÌNH THẮNG