Nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển - Kỳ 1
(BDO) Kỳ 1: Nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi
Năm 2020, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Dương vượt 9 bậc, từ hạng 13 (năm 2019) vươn lên xếp thứ tư, lọt vào tốp 10 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong bảng xếp hạng PCI năm 2020. Có được kết quả đó là do Bình Dương đã nỗ lực không ngừng trên chặng đường phát triển đã qua cũng như chặng đường kế tiếp.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Gre Apha Electronic, Khu công nghiệp VSIP 2A
Thực hiện tốt cam kết đồng hành
Nhờ những chủ trương, định hướng đúng đắn, cách làm sáng tạo, linh hoạt, công tác thu hút đầu tư của Bình Dương trong chặng đường đã qua có kết quả khá ấn tượng. Xác định việc cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi song hành cùng với phát triển bền vững, trong những năm qua, Bình Dương coi việc cải cách thủ tục hành chính là khâu quan trọng, cần sự đột phá bên cạnh vấn đề hạ tầng, đất đai, điện, nước… Bên cạnh đó, Bình Dương tập trung vào các giải pháp đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Trên nền tảng vững vàng đó, năm 2020 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Dương có bước đột phá với mức tăng 2,78 điểm nhờ đánh giá tích cực của doanh nghiệp (DN) về gia nhập thị trường (tăng 1,22 điểm) và công tác hỗ trợ DN (tăng 0,19 điểm). Điều này cho thấy, dù trong dịch bệnh, động lực thực tiễn cải cách tốt đã và đang lan tỏa. Đây là kết quả của việc tỉnh Bình Dương đã rà soát, hoàn thiện cơ chế một cửa liên thông đăng ký DN, giải quyết các thủ tục về đầu tư, thực hiện công khai minh bạch các cơ chế, chính sách, quy trình. Đồng thời, Bình Dương đã tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thu hút, quản lý các dự án đầu tư, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các vướng mắc để các dự án đi vào triển khai, nhanh chóng hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD).
Theo số liệu từ UBND tỉnh, tính đến tháng 3-2021, Bình Dương hiện có hơn 50.000 DN trong nước đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký trên 473.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh có gần 4.000 dự án FDI đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 36 tỷ đô la Mỹ. Đặc biệt, ngày càng có nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có nguồn tài chính lớn và công nghệ hiện đại đầu tư vào Bình Dương. Đây là những con số ấn tượng để Bình Dương tự tin bước vào nhiệm kỳ mới với khát vọng vươn lên, trở thành vùng đổi mới sáng tạo, một địa phương phát triển năng động, bền vững hơn nữa. |
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thép Đại Thiên Lộc, cho biết Bình Dương là địa phương thực hiện tốt công tác hoàn thiện hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Thời gian gần đây, việc đẩy mạnh cải cách các thủ tục giúp hồ sơ hành chính được rút ngắn tạo sự thuận lợi trong SXKD. Thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Nghĩa bày tỏ mong muốn Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, thúc đẩy cơ chế một cửa liên thông để các quy trình, thủ tục hành chính tiếp tục được thuận lợi.
Với phương châm “chăm sóc tốt một nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư mới”, định kỳ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành luôn duy trì gặp gỡ và đối thoại với các hiệp hội ngành hàng, DN để lắng nghe ý kiến đề xuất, tâm tư nguyện vọng nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp DN hoạt động ổn định, hiệu quả. Ông Yamamoto Kazuhito, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Taisei Bijutsu Printing (Việt Nam), khẳng định chính những buổi gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của DN đã minh chứng cho tinh thần cởi mở, thực hiện đến cùng những cam kết của tỉnh đã đặt ra. “Bình Dương không chỉ sở hữu những thế mạnh nổi trội về tài nguyên, cơ sở hạ tầng, quy hoạch... mà còn nổi trội trong cả hoạt động cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Những thế mạnh riêng có của Bình Dương đã giúp chúng tôi triển khai dự án rất thuận lợi, đồng thời cũng là cơ hội lớn để chúng tôi có bước phát triển bền vững tại địa phương. Với tinh thần cầu thị như vậy đã tạo sự thân thiện, giúp DN an tâm khi đầu tư vào Bình Dương”, ông Yamamoto Kazuhito cho biết.
Chú trọng chất lượng tăng trưởng
Trên thực tế, trong năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng với chủ trương thu hút đầu tư nhất quán, xuyên suốt và luôn được bổ sung, đổi mới, sáng tạo, Bình Dương đã triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) thế hệ mới. Đây là tín hiệu tốt về môi trường đầu tư của tỉnh luôn hấp dẫn, góp phần tạo tiền đề cho các mục tiêu tăng trưởng của giai đoạn tiếp theo.
Trong giai đoạn mới, bằng nền tảng sẵn có về phát triển kinh tế, hạ tầng đô thị, mạng lưới giao thông đồng bộ, hệ thống các khu công nghiệp hiện đại, Bình Dương đặt quyết tâm nâng dần chất lượng phát triển, thu hút đầu tư gắn với sản xuất theo xu hướng khoa học - công nghệ tiên tiến, ít thâm dụng lao động, triển khai thành công đề án Vùng Đổi mới sáng tạo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết hiện Bình Dương đang triển khai chương trình đổi mới thu hút đầu tư với mục tiêu là tập trung thu hút các đối tác có tiềm lực mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường. Trong đó, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Bên cạnh các lĩnh vực thu hút đầu tư truyền thống, trong định hướng phát triển bền vững, Bình Dương đang tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh thương mại - dịch vụ chất lượng cao, tạo bước đột phá trong giai đoạn mới.
Tiếp tục xác định hạ tầng là khâu đột phá, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, khẳng định tiếp đà cho mục tiêu tăng trưởng 5 năm tới (2020- 2025), tỉnh sẽ tập trung xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Bình Dương sẽ tập trung xây dựng hạ tầng giao thông trong tỉnh hoàn chỉnh và kết nối vùng. Áp dụng công nghệ số, khoa học công nghệ vào sản xuất, đào tạo nhân lực có tay nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của DN. Với những định hướng cơ bản này, Bình Dương quyết tâm nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới. Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực Nhà nước, tỉnh huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ và đô thị; chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông để mở rộng kết nối vùng, khu vực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. (còn tiếp)
Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh: Bình Dương đang khuyến khích hỗ trợ các nhà đầu tư chiến lược, dự án đầu tư quy mô lớn, thường xuyên tổ chức hội nghị tiếp xúc DN để kịp thời nắm bắt thông tin, tháo gỡ khó khăn. Trong năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song thu hút đầu tư nước ngoài trong tỉnh vẫn đạt 1,9 tỷ đô la Mỹ, trong đó vốn FDI thu hút vào các khu công nghiệp đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ. Bà Hoàng Yến, Giám đốc Công ty Rochdale Spear, TX.Tân Uyên: Năm 2020 thực sự khó khăn với các DN, Công ty Rochdale Spears cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, Bình Dương với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thực sự rất hiệu quả và giữ vững được môi trường đầu tư kinh doanh đã giúp cho DN ổn định được SXKD. Thời gian qua, các sở, ngành và địa phương đã chủ động gặp gỡ để tháo gỡ khó khăn cho DN. Bình Dương đã chủ động tạo điều kiện nhập cảnh cho các chuyên gia người nước ngoài, hỗ trợ tuyển dụng lao động, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh trong công nhân lao động… giúp DN ổn định, phát triển SXKD. |
TIỂU MY