Nâng cao năng lực, cải thiện đời sống người dân nông thôn

Thứ bảy, ngày 01/10/2022

(BDO) Nông nghiệp khẳng định vai trò

Trong khoảng 15 năm trở lại đây, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Giai đoạn từ 2008 đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp đạt 3,01%/năm, quy mô GDP toàn ngành tăng 1,4 lần, năng suất lao động của nông nghiệp tăng gấp 4 lần, quy mô xuất khẩu nông sản tăng bình quân 8,1%/năm.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao giúp cho thu nhập của nông dân ngày càng ổn định. Trong ảnh: Sơ chế bưởi ở Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên)

Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM), giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, số hộ khá và giàu tăng.

Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn tiếp tục là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu được đặt ra trong Nghị quyết số 19. Cụ thể, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân và cư dân nông thôn để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất, kinh doanh, cùng nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM. Tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ nông dân và cư dân nông thôn nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản xuất, kinh doanh. Chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp. Ngoài ra, đời sống nông dân và cư dân nông thôn được chăm lo toàn diện; bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận cơ hội phát triển, dịch vụ cơ bản nông thôn; ưu tiên nguồn lực đầu tư đối với các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao…

Nông dân làm chủ

Nghị quyết số 19 cũng đặt ra mục tiêu cao. Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm; tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Đây cũng là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như xây dựng NTM của Bình Dương.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông nghiệp tỉnh Bình Dương đã có bước tăng trưởng khá toàn diện, với nền sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhận được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân trong tỉnh.

Kinh tế nông thôn tại Bình Dương phát triển cũng nhờ sự quan tâm đầu tư từ ngân sách và sự tích cực hưởng ứng của nhân dân, quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn diễn ra nhanh chóng. Cuối năm 2019, Bình Dương đã cán đích mục tiêu 100% xã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 29/41 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 huyện, thị xã đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM và thị xã hoàn thành nhiệm vụ NTM. Thu nhập bình quân đầu người ở các xã NTM đạt 72 triệu đồng/người/năm.

Tỉnh cũng chú trọng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quang nông thôn xanh - sạch - đẹp - an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng NTM, sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ; tăng cường triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. 

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT: Bình Dương đang tiếp tục đặt mục tiêu duy trì, giữ vững kết quả của các xã đạt chuẩn NTM giai đoạn trước, đẩy mạnh phát triển NTM nâng cao, kiểu mẫu, bảo đảm nông thôn phát triển ổn định và bền vững, tiến tới giàu có, văn minh, hiện đại. Xây dựng NTM trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao - công nghệ sinh học hướng tới nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học để phát triển bền vững. Mục tiêu đến năm 2025, Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 50% xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC

Từ khóa: