Nâng cao kiến thức pháp luật cho hội viên phụ nữ: Góp phần giúp chị em bảo vệ quyền lợi bản thân
(BDO) Do thiếu am hiểu về một số điều luật dân sự sát sườn với cuộc sống nên nhiều chị em đã... bỏ quên quyền lợi của mình. Chính vì thế việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho giới nữ là điều rất quan trọng hiện nay.
Một buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho nữ lao động do các ban ngành trong tỉnh tổ chức. Ảnh: TÂM TRANG
Từ quyền lợi bảo hiểm xã hội...
Mới đây, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã đến Bình Dương khảo sát về tình hình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014. Cuộc khảo sát diễn ra từ ngày 26 đến 28-10. Các thành viên trong đoàn đã đến làm việc tại Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN TP.Thủ Dầu Một. Nội dung gồm tọa đàm với một số doanh nghiệp, đại diện người lao động tại doanh nghiệp, thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu 40 phụ nữ thuộc 4 nhóm đối tượng: Đang tham gia BHXH; đã nhận BHXH một lần; đã rút BHXH một lần và tham gia BHXH trở lại; chưa từng tham gia BHXH.
Tại các buổi làm việc, thành viên trong đoàn đã phỏng vấn sâu các đối tượng phụ nữ là công nhân, cán bộ hội, cán bộ trực tiếp làm công tác BHXH cho công nhân, nữ lao động tự do ở các phường. Đây là một hình thức thu thập thông tin, số liệu về tình hình lao động nữ, việc làm và tham gia BHXH, thực hiện chính sách chế độ BHXH cho lao động nữ, từ đó có những chương trình phù hợp hỗ trợ phụ nữ trong cuộc sống.
Qua thực tế khảo sát, có lao động nữ cho biết họ chưa quan tâm lắm đến BHXH. Có khá ít người như chị Cao Thị Lê Hương, ở khu 4, phường Phú Lợi cho biết đã đi làm hơn 18 năm, do công việc bận rộn và phải chăm sóc con nhỏ nên chị đã làm thủ tục hưởng BHXH một lần, được khoảng 180 triệu đồng. Những tháng lẻ còn lại trong quá trình đi làm, chị chuyển sang hình thức BHXH tự nguyện. Chị Hương cho biết đây là quyền lợi mà lao động nữ cần phải tìm hiểu kỹ để đưa ra quyết định của mình có tiếp tục tham gia BHXH hay không.
Chị Hương cho biết thủ tục hiện nay cũng khá đơn giản, ít tốn thời gian. Trong khi đó, nhiều lao động nữ ngại đi lại, ngại thủ tục nên họ bỏ luôn BHXH, kể cả bảo hiểm thất nghiệp cũng không đi khai nhận. “Không nên có suy nghĩ làm một thời gian gom ít tiền rồi về quê và không chú ý đến các quyền lợi của mình. Đây là điểm chung của đa số lao động nữ thường gặp trong quá trình tiếp xúc với họ ở các khu nhà trọ. Họ mất quyền lợi khi không quan tâm đến BHXH”, chị Hương chia sẻ.
...đến các quyền lợi thiết thân khác
Bà Ngô Thị Liên, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho biết nhiều chị em khi gặp chuyện mới tìm luật sư cầu cứu. Trong đó có các vấn đề thường gặp như bạo lực gia đình, con chung, con riêng, tài sản trước và sau hôn nhân, quyền thừa kế... Điều đáng buồn là có nhiều vụ việc đau lòng ở những khu nhà trọ của nữ công nhân xa quê xảy ra như cuộc sống tạm bợ, sống chung trước hôn nhân rồi bị chồng bạo hành sau khi nhậu say, khi chồng bị áp lực do thất nghiệp... Thế nhưng hầu hết chị em cố chịu đựng, không dám giải quyết các vấn đề theo luật dân sự...
Để giúp phụ nữ nhiều hơn về pháp lý, Hội Luật gia phối hợp với Hội LHPN tỉnh, Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện công tác phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân, đặc biệt là lao động nữ, hội viên phụ nữ tại các xã, phường. Hội Luật gia tỉnh cũng giám sát, phản biện về thực hiện chính sách, pháp luật đối với việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Từ đầu năm đến nay, hội đã đẩy mạnh chương trình phối hợp với Hội LHPN tỉnh để tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Nuôi con nuôi, hội thảo chuyên đề “Quyền trẻ em” với hàng trăm lượt người tham dự. Mỗi lần đến xã, phường tư vấn, hội cử 4 - 5 luật gia là tư vấn viên, luật sư để trực tiếp tư vấn cho hội viên phụ nữ về các vấn đề hôn nhân gia đình, dân sự, đất đai... và nhận được phản hồi khá tích cực.
Bà Liên cho biết thêm: “Để nâng cao kiến thức pháp luật cho chị em trong các Hội phụ nữ ở cơ sở, trong thời gian tới, Hội Luật gia tỉnh tiếp tục phối hợp cùng các sở, ban ngành, đoàn thể phối hợp thực hiện tốt các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao; tiếp tục phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các mô hình điểm đã xây dựng; chú trọng đến các cơ sở vùng sâu, vùng xa và mở rộng nhiều đối tượng tham gia nâng cao nhận thức pháp luật theo yêu cầu. Để phát huy hiệu quả công tác hội và phong trào thi đua lan tỏa đến từng cơ sở, trong thời gian tới các cấp hội cần làm tốt công tác đánh giá nguyên nhân, kinh nghiệm cũng như tổ chức được các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập các điển hình tiêu biểu trong phong trào hội”.
Từ đầu năm đến nay, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được Hội Luật gia tỉnh đặc biệt quan tâm. Các mô hình điểm phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý tại các huyện, thị, thành phố đã tổ chức 31 cuộc tuyên truyền với 2.592 lượt người tham dự. Hội đã khảo sát, đánh giá nhu cầu tư vấn và trợ giúp pháp lý trong nhân dân tại các xã, phường trên địa bàn; xây dựng mô hình điểm bằng hình thức phát phiếu khảo sát. Theo đó, hội đã phát 3.600 phiếu khảo sát, tờ rơi với kết quả rất hữu ích, phục vụ cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở và trợ giúp pháp lý cho nhân dân; phối hợp UBND phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình cho 200 cán bộ, nhân dân. |
QUỲNH NHƯ