Nâng cao hoạt động thẩm tra của HĐND cấp huyện, cấp xã: Kinh nghiệm trong thực tiễn

Thứ sáu, ngày 22/09/2017

(BDO) HĐND tỉnh vừa tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm chuyên đề “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND cấp huyện, cấp xã và thảo luận, thông qua Nghị quyết của HĐND trình kỳ họp” để thường trực, các ban của HĐND các cấp cùng trao đổi, thảo luận. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm để hoạt động thẩm tra nâng cao chất lượng và hiệu quả.

 Ông Huỳnh Thành Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, báo cáo thẩm tra là căn cứ quan trọng giúp đại biểu HĐND có những thông tin cần thiết, là cơ sở để HĐND thảo luận, xem xét thông qua nghị quyết tại kỳ họp. Công tác thẩm tra có chất lượng sẽ góp phần quan trọng để HĐND ban hành nghị quyết đúng pháp luật, có hiệu lực, hiệu quả và mang tính khả thi. Do đó, phải luôn đặt ra yêu cầu, đòi hỏi HĐND cấp huyện, cấp xã cần có sự đầu tư, nghiên cứu sâu các quy định của pháp luật để triển khai thực hiện đúng; qua đó thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định.

 Trước khi ban hành các văn bản, nghị quyết HĐND, cần có sự góp ý thẳng thắn của đại biểu để văn bản, nghị quyết đạt chất lượng trên cơ sở căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn. Trong ảnh: Đại biểu HĐND TX.Dĩ An phát biểu ý kiến và thảo luận tại kỳ họp thứ 4, HĐND TX.Dĩ An khóa XI Ảnh: P.V

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trọng tâm về nâng cao chất lượng công tác thẩm tra của các Ban HĐND và việc thảo luận, thông qua nghị quyết của HĐND đối với các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và các báo cáo quan trọng của HĐND các cấp. Chia sẻ kinh nghiệm này, đại diện Thường trực HĐND xã Vĩnh Hòa (Phú Giáo) cho rằng, nhân tố quan trọng và quyết định hiệu quả hoạt động chính là nguồn nhân lực. Vì vậy, trong lựa chọn nhân sự, bố trí, phân công nhiệm vụ các thành viên HĐND cần quan tâm xem xét trình độ, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, khả năng nắm bắt tình hình, nhìn nhận vấn đề trong các lĩnh vực hoạt động của địa phương. Nếu có con người tốt thì việc góp ý để công tác thẩm tra các văn bản sẽ đạt chất lượng cao hơn.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác thẩm tra, bà Võ Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch HĐND TX.Thuận An cho biết, để báo cáo thẩm tra có chất lượng, đưa ra những đề xuất, kiến nghị cần thiết, sát, đúng với tinh thần thực tế thì các thành viên của các Ban HĐND cần chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn, các cơ quan liên quan để tiến hành thẩm tra. Ngoài ra, các thành viên phải có sự đầu tư, nghiên cứu các tài liệu, tham khảo các văn bản pháp luật có liên quan để nội dung thẩm tra được sâu và chuẩn xác. Từ đó, xây dựng dự thảo báo cáo thẩm tra có chất lượng. Trong thời gian tới, HĐND cần lưu ý phối hợp với UBND cùng cấp gửi các văn bản thông qua tại kỳ họp đúng thời gian quy định để thành viên các ban có thời gian nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị ý kiến của mình để tham gia phát biểu góp ý. Cùng với đó, các thành viên cũng cần chủ động tham gia góp ý các văn bản ngay từ giai đoạn đầu chuẩn bị.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan khi chuẩn bị nội dung trước thẩm tra và tổ chức thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, cũng như việc thảo luận, ban hành nghị quyết của HĐND cần được góp ý kỹ để khắc phục những hạn chế, tồn tại. Theo ông Huỳnh Thành Long, để xây dựng một báo cáo thẩm tra có chất lượng, cần bảo đảm được tính phản biện cao, cũng như hiệu lực, hiệu quả của nghị quyết HĐND khi được ban hành nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xãhội của địa phương.

Ông Phạm Văn Chánh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Giáo cho rằng, từ thực tế hoạt động HĐND thời gian qua, HĐND huyện Phú Giáo rút ra một số kinh nghiệm như: Để công tác thẩm tra đạt chất lượng, các thành viên tham gia thẩm tra cần nghiêm túc nghiên cứu các báo cáo, bảo đảm chất lượng và lựa chọn những vấn đề phù hợp, đúng thẩm quyền, tránh chọn những vấn đề quá phức tạp, hoặc khi triển khai còn vướng mắc. Khi thẩm tra, cần nắm bắt vững thông tin phục vụ công tác thẩm tra; công tác xem xét, thẩm tra của các ban HĐND phải đúng quy trình, công khai, chu đáo, tỉ mỉ, thận trọng và khách quan. “Tôi cho rằng, nội dung thẩm tra cần đánh giá toàn diện, vừa mang tính bao quát, thể hiện rõ chính kiến và phải có những nhận định, phân tích, lý giải phù hợp trên cơ sở căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn”, ông Chánh khuyến nghị.

HỒ VĂN

 

Từ khóa: