Nâng cao hiệu quả thực thi chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện

Thứ sáu, ngày 05/04/2024

(BDO) Sáng 5-4, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam phối hợp Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Hội Cựu Thanh niên Xung phong Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tố chức Diễn đàn quốc gia với chủ đề: “Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện”.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến, kết nối với 63 điểm cầu tại trụ sở các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc. 

Các tham luận, trao đổi tại diễn đàn đã cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia (UBQG) về Thanh niên Việt Nam, vai trò giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định những chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện phù hợp với tình hình mới.


Diễn đàn thu hút sự quan tâm của đoàn viên, thanh niên trên cả nước.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, cùng với việc phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà nước đã luôn chăm lo, bồi dưỡng thanh niên; ban hành Luật Thanh niên cùng các nghị định hướng dẫn trong đó quy định các chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, việc thực hiện chính sách còn nhiều bất cập và hạn chế: Tổ chức và hoạt động của thanh niên xung phong còn chưa thống nhất trong toàn quốc, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực; số lượng và quy mô lực lượng có chiều hướng thu hẹp tại nhiều địa bàn. Một số chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện còn chưa phù hợp, chưa được thực hiện triệt để theo quy định của pháp luật, nhất là đối với các đội viên đã hoàn thành nhiệm vụ, khó thu hút thanh niên, trí thức trẻ tham gia…

Trước tình hình đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho biết, để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề bức xúc mà thực tiễn đặt ra, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong, xung kích của thanh niên, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất ý kiến xoay quanh 3 vấn đề quan trọng gồm: Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; Việc triển khai thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; Những vấn đề đặt ra và đề xuất, kiến nghị về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; cùng các vấn đề khác có liên quan.

Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp của các đại biểu thanh niên và phần giải đáp chính sách của đại diện các cơ quan, đơn vị, đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm UBQG về thanh niên Việt Nam, kết luận: Những nội dung được trao đổi tại diễn đàn đều là nội dung quan trọng, có tính nhân văn và giá trị cộng đồng sâu sắc, là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc quan tâm, chăm lo, phát huy lực lượng thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện trong tình hình mới. Các vấn đề, các câu hỏi và kiến nghị chính đáng của thanh niên sẽ được UBQG về thanh niên tổng hợp, gửi đến các bộ, ngành giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ra mắt Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi, có chức năng tư vấn giúp Ban Bí thư Trung ương Đoàn những nội dung về chính sách, pháp luật liên quan đến thanh thiếu nhi và tổ chức Đoàn, Hội, Đội.

Hội đồng tư vấn gồm 20 thành viên là lãnh đạo Trung ương Đoàn, các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên trên 13 lĩnh vực, gồm: Giáo dục và đào tạo; Lao động, việc làm; Khởi nghiệp; Văn hoá, nghệ thuật; Thể dục, thể thao; Y tế, sức khoẻ; An ninh quốc phòng; Tâm lý - xã hội; Kỹ năng sống; Pháp lý; Công nghệ thông tin; Ngoại giao; chính sách Đoàn, Hội, Đội.

Trong đó, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng tư vấn. Hai Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn gồm: đồng chí Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực UBQG về thanh niên Việt Nam và đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Đồng Đội Trung ương.

Diễn đàn quốc gia với chủ đề: “Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện” đã nhận được 26 tham luận của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành, các tỉnh, thành đoàn, cùng gần 500 câu hỏi của các đoàn viên, thanh niên cả nước qua hộp thư điện tử. 

Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm, diễn đàn đã góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả thực thi chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện trong thực tiễn.

Theo TTXVN