Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

Thứ ba, ngày 03/10/2023

(BDO) Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT). Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về SHTT đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức và cá nhân trong việc xây dựng, quản lý thương hiệu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 Sở hữu trí tuệ công nghiệp góp phần bảo đảm chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Dược phẩm Thiên Dược, TP.Tân Uyên

 Tích cực tuyên truyền

Năm 2022, Bình Dương đã ban hành 5 văn bản về SHTT. Các cấp, các ngành đã quán triệt quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của từng cấp, ngành và xây dựng các nội dung triển khai thực hiện phù hợp, lồng ghép nội dung SHTT trong chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển ngành, lĩnh vực.

Sở KH&CN đã lồng ghép chính sách, giải pháp thúc đẩy sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT trong các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Trong năm, Sở KH&CN đã tổ chức 12 hội nghị chuyên đề về SHTT cho 1.661 đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị quản lý và thực thi về SHTT, các trường, viện, doanh nghiệp, các phòng kinh tế huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Qua đó nâng cao sự hiểu biết, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các chủ sở hữu, nhằm góp phần tạo sự chuyển biến, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý và thực thi pháp luật về SHTT.

Nổi bật trong 9 tháng năm 2023, Sở KH&CN đã triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày SHTT thế giới 26-4 trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, sở đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng, treo 20 băng rôn tại các điểm, tuyến đường, đặt 14 standee tại các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn tỉnh với chủ đề tuyên truyền của năm 2023 “Phụ nữ với SHTT - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Ngoài ra, sở tổ chức hội nghị “Hệ thống SHTT - công cụ gia tăng giá trị các sáng tạo của phụ nữ”.

Bên cạnh đó, Sở KH&CN đã phối hợp tổ chức 2 hội nghị tập huấn về đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với nhãn hiệu tại huyện Phú Giáo và hướng dẫn các điểm cần lưu ý trước, trong và sau đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với nhãn hiệu trên địa bàn tỉnh, thu hút trên 180 tổ chức, cá nhân, viện, trường và hợp tác xã, tổ hợp tác tham dự. Hướng dẫn xác lập quyền về sở hữu công nghiệp cho 122 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn 84 cá nhân, tổ chức các thủ tục liên quan đến sau cấp văn bằng bảo hộ và bảo vệ quyền SHTT.

Ngoài ra, Sở KH&CN đã hỗ trợ Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương thực hiện các thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể theo đúng quy định hiện hành và trình UBND tỉnh đề nghị sử dụng tên địa danh “Bình Dương”, xác nhận bản đồ để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Gỗ Bình Dương”. Tổ chức triển khai thực hiện Thông tư số 17/2022/TT-BKHCN ngày 16-12-2022 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ xử lý yêu cầu xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: “Công tác hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân xác lập quyền SHTT; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về SHTT thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức và cá nhân trong việc xây dựng, quản lý thương hiệu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”.

Tăng cường tổ chức, hỗ trợ đào tạo

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể, việc tham gia tập huấn của các chủ thể còn hạn chế, bởi lý do đăng ký bảo hộ quyền SHTT là không bắt buộc nên thường các chủ thể không chú trọng.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tỉnh mặc dù đã có nhiều cố gắng trong thực thi pháp luật và bảo vệ SHTT, chống sản xuất, buôn bán hàng giả; tuy nhiên, việc thực thi pháp luật về SHTT vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Các hành vi xâm phạm SHTT được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới như sử dụng công nghệ cao làm cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phát hiện. Các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển dịch từ phương thức truyền thống sang hình thức thương mại điện tử thông qua trang bán hàng trực tuyến, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo…

Lực lượng thực thi tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và tiến hành tổ chức kiểm tra đối với các đối tượng có hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền SHTT trên địa bàn. Tuy nhiên vẫn chưa thể đáp ứng kịp thời tình hình thực tế về sự tinh vi về hình thức, phương thức vi phạm rất khó phân biệt giữa hàng thật, hàng giả và ranh giới giữa hàng giả mạo, xâm phạm quyền SHTT.

Ông Nguyễn Minh Châu cho biết thêm: “Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 06/2022/NQ-HĐND vì còn vướng về hồ sơ, chứng từ. Để tổ chức, cá nhân nhận hỗ trợ từ nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước theo nghị quyết phải cung cấp cho các cơ quan Nhà nước được giao dự toán chi hỗ trợ cho đối tượng”.

 Ông Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, Sở KH&CN đã kiến nghị Cục Bản quyền tác giả, Cục Trồng trọt tăng cường tổ chức, phối hợp tổ chức, hỗ trợ triển khai các khóa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về SHTT các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý và thực thi quyền SHTT trên địa bàn tỉnh; kiến nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn hồ sơ, chứng từ hưởng chính sách đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong và ngoài nước thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh.

 PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ