Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đo đạc, bản đồ và đất đai

Thứ năm, ngày 06/07/2023

(BDO) Nhằm khai thác tối đa nguồn lực đất đai phục vụ phát triển, thời gian qua ngành tài nguyên và môi trường (TN-MT) đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, tạo chuyển biến tích cực.

 Cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thuận An thực hiện công tác đo đạc

 Ứng dụng công nghệ mới

Với nhu cầu cao về đo đạc tách thửa để cho tặng, thừa kế, chuyển nhượng… gây áp lực lên công tác đo đạc và lập bản đồ phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước tình hình đó, Sở TN-MT đã triển khai ứng dụng công nghệ định vị toàn cầu và phương pháp đo động thời gian thực (viết tắt RTK) để phục vụ công tác đo đạc trên địa bàn tỉnh. Công nghệ này hiệu quả cao ở khu vực ngoài đô thị, linh động, dễ sử dụng, đặc biệt là giảm bớt nhân sự trong một ca đo đạc để chia sẻ với địa bàn khác.

Ông Nguyễn Văn Quyết, nhân viên tổ đo đạc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP.Thuận An, chia sẻ: “Công nghệ RTK vượt trội so với máy toàn đạc cũ, chỉ cần một người sử dụng máy, thực hiện đo mặt đất nhanh, chủ động, truyền dữ liệu lên máy đơn giản, chính xác. Khi đo thửa đất, máy RTK sẽ đưa đúng tọa độ ở thực địa tương ứng lên bản đồ. Ngoài ra với chức năng tính bù nghiêng loại máy này giúp đo đạc luôn chính xác, đúng hệ tọa độ.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Đất đai tỉnh, từ năm 2000, Bình Dương đã triển khai việc xây dựng và hoàn thiện công tác đo đạc lập bản đồ địa chính. Hiện nay 91/91 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có bản đồ địa chính phủ trùm. Triển khai ứng dụng công nghệ RTK trong đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính đã góp phần giúp công tác đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt được nhiều kết quả khả quan. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phần diện tích đủ điều kiện khoảng 98%. Hồ sơ địa chính được cập nhật, chỉnh lý kịp thời qua đó tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu địa chính

Xuất phát từ quan điểm cơ sở dữ liệu (CSDL) địa chính sẽ đóng vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước về quản lý đất đai và xu hướng khai thác chia sẻ trong tương lai, công tác quản lý, vận hành, khai thác và cập nhật chỉnh lý biến động thường xuyên được Sở TN-MT quan tâm chỉ đạo. Đến cuối năm 2016, CSDL địa chính trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng tại hệ thống VPĐKĐĐ tỉnh.

Qua thời gian cập nhật, chỉnh lý biến động CSDL địa chính, tính đến ngày 15-3-2022, CSDL thuộc tính địa chính hiện có khoảng 1.256.968 thửa đất. Cấu trúc dữ liệu gồm các nhóm trường thông tin chủ yếu, như: Thửa đất, người sử dụng đất, mục đích sử dụng đất, nguồn gốc, thời hạn sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính, dữ liệu về giấy chứng nhận, lịch sử những biến động lịch sử của thửa đất.

Đối với CSDL không gian, đã cập nhật, chỉnh lý, bổ sung hoàn chỉnh và đưa vào vận hành một bộ bản đồ địa chính dùng chung duy nhất trên toàn tỉnh. Bản đồ địa chính dùng chung là hệ thống file bản đồ địa chính được chia sẻ, phân quyền và sử dụng thống nhất ở cấp tỉnh và cấp huyện trong phạm vi ngành TN-MT. Hệ thống VPĐKĐĐ cùng cập nhật các biến động trên một nền bản đồ duy nhất nhằm bảo đảm tính thống nhất, kịp thời các biến động đất đai. Qua thời gian cập nhật, chỉnh lý biến động CSDL địa chính, tính đến ngày 15-3-2022, hệ thống VPĐKĐĐ đã cập nhật được khoảng 1.082.997 thửa đất đã được đưa vào CSDL không gian. Bên cạnh đó, hệ thống VPĐKĐĐ đã quét, biên tập, chỉnh sửa, hoàn thiện và cập nhật vào kho hồ sơ quét tổng số lượng túi hồ sơ là 2.832.852.

Đặc biệt, phần mềm hệ thống thông tin đất đai (ViLIS) được thiết kế theo các yêu cầu đặc thù của Sở TN-MT, từ khi xây dựng và đưa vào vận hành khai thác đã phục vụ đắc lực, hiệu quả cho việc vận hành khai thác, sử dụng, cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính, CSDL địa chính. Phần mềm này được hệ thống VPĐKĐĐ sử dụng hàng ngày để phục vụ cho công tác chuyên môn gắn với việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh. Qua đó, rút ngắn thời gian thụ lý hồ sơ và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp cũng như thuận lợi trong việc tra cứu, chia sẻ và quản lý.

Theo lãnh đạo Chi cục Đất đai tỉnh, thông qua việc ứng dụng công nghệ mới, công tác đo đạc lập bản đồ địa chính có thời gian thực hiện được rút ngắn, bảo đảm độ chính xác cao, công tác cập nhật chỉnh lý biến động bản đồ được thực hiện kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đất đai và việc tra cứu, chia sẻ thông tin, dữ liệu về đất đai. Đối với CSDL, nhờ có CSDL về địa chính mà công tác kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ cao, công tác quản lý nhà nước về đất đai và đo đạc bản đồ từng bước đi vào nề nếp, qua đó phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

 Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Đất đai tỉnh: Đạt được những kết quả như trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, các ngành và nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động ngành TN-MT. Bên cạnh kết quả đạt được cũng còn nhiều thách thức ở phía trước như phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung nguồn lực để hoàn thiện CSDL đất đai; khai thác và sử dụng hiệu quả CSDL đã xây dựng; tiếp tục thiết lập và quản lý chặt chẽ công tác quy hoạch, giá đất cũng như các vấn đề liên quan đến đất đai.

 TIẾN HẠNH - QUỐC KHÁNH