Nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản
(BDO) Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản ngày càng được hoàn thiện; cùng với đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ tạo điều kiện thuận lợi để việc quản lý hoạt động khoáng sản tại nước ta đi vào nề nếp, hiệu quả.
Tại miền Đông Nam bộ, các tỉnh, thành phố có sự phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý hoạt động khoáng sản ở những vùng giáp ranh. Riêng ở Bình Dương, thời gian qua các cấp, các ngành luôn kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động khoáng sản. Cụ thể, để góp phần quản lý tốt nguồn khoáng sản, UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 365/TB-UBND ngày 20-10-2023 về giải quyết các vướng mắc trong công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; ban hành phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.
Một trong những giải pháp trọng tâm tỉnh Bình Dương thực hiện trong công tác quản lý khai thác khoáng sản đó là tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật. Qua tuyên truyền, nhận thức của doanh nghiệp và người dân có hoạt động khoáng sản ngày càng được nâng cao, giúp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp. Cùng với đó, việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản được thực hiện đúng quy trình thủ tục của pháp luật và đúng theo quy hoạch khoáng sản của tỉnh. Công tác thanh, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp sau cấp phép cũng được các cấp, các ngành liên quan của tỉnh thực hiện nghiêm túc, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương. Tỉnh cũng đã thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên trong hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến đá xây dựng của các mỏ đá trên địa bàn tỉnh; thành lập đoàn kiểm tra về cát xây dựng, về khai thác sét gạch ngói và đất san lấp...
Từ những biện pháp nói trên, công tác bảo vệ và quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn được thực hiện hiệu quả, đạt kết quả tốt, góp phần tạo nền tảng cho Bình Dương phát triển hiện đại, văn minh, bền vững.
HẠNH NHI