Nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm
(BDO) Thực hiện Kế hoạch số 1165/KH-SCT ngày 8-8-2018 của Sở Công thương về việc kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) thuộc phạm vi quản lý ngành công thương tại tỉnh Bình Dương, từ ngày 8-8-2018 Sở Công thương thành lập Đoàn kiểm tra ATTP tiến hành làm việc tại các phòng kinh tế cấp huyện và một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn nhằm tăng cường công tác quản lý ATTP.
Đoàn công tác của Sở Công thương kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn Thành phố Thủ Dầu Một
Đoàn công tác của Sở Công thương kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn Thành phố Thủ Dầu Một
Tăng cường công tác quản lý
ATTP luôn được Nhà nước và xã hội quan tâm sâu sắc. Đây cũng là một chủ đề chính được đăng tải thường xuyên trên các phương tiện báo chí, truyền thông trong những năm gần đây, giúp công chúng ngày càng ý thức hơn tới quy trình sản xuất, cách thức tạo ra thực phẩm họ tiêu dùng hàng ngày, đồng thời đề cao vấn đề an toàn và dinh dưỡng. Ngành công thương được xác định là 1 trong 3 ngành có vai trò quan trọng trong quản lý ATTP trên địa bàn.
Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của các cấp, ngành công thương đã có những nỗ lực quản lý nhà nước về ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ngành đã tích cực phối hợp với UBND một số huyện, thị, thành phố trong việc thực thi các quyết định, quy định phân công quản lý nhà nước về ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn.
Là thành viên của Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, hàng năm ngành nỗ lực trong việc thực hiện kế hoạch về bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Rằm tháng giêng; kế hoạch triển khai Tháng hành động vì ATTP; kế hoạch triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP thức ăn đường phố; kế hoạch kiểm tra dịp Tết Trung thu… từ cấp huyện, thị đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Theo quy định, những cơ sở sản xuất gần trọn chuỗi và sản lượng lớn thì ngành công thương mới thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy phép bảo đảm ATTP. Còn đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thực hiện công đoạn sản xuất ngắn thì không phải thực hiện kiểm tra và cấp giấy phép; nhưng về quản lý ngành yêu cầu cơ sở sản xuất tự đăng ký chất lượng theo các tiêu chuẩn quy định của Nhà nước, ngành công thương thực hiện hậu kiểm…
Địa phương nỗ lực trong quản lý ATTP
Theo đánh giá của Sở Công thương, qua đợt kiểm tra năm 2018, các hồ sơ thủ tục hành chính và quy trình thủ tục hành chính tại cấp huyện đều có xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính. Tại các địa phương, được sự quan tâm của Ban chỉ đạo huyện, xã, thị trấn đã tích cực chỉ đạo các ban, ngành liên quan cùng triển khai thực hiện đầy đủ và đạt chỉ tiêu các hoạt động bảo đảm ATTP từ tuyến huyện đến tuyến xã, thị trấn. Công tác thông tin giáo dục truyền thông: Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với Đài truyền thanh huyện, xã tuyên truyền các quy định bảo đảm ATTP trên hệ thống loa đài tại địa phương.
Đặc biệt, công tác cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã triển khai công tác cấp giấy chứng nhận theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008, thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, bảo đảm hoạt động cấp giấy đúng thời gian quy định. Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP: Ngoài công tác phối hợp kiểm tra liên ngành thì trung tâm y tế huyện đã triển khai thực hiện các đợt kiểm tra chuyên ngành và giám sát định kỳ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đúng theo phân cấp quản lý. Đoàn kiểm tra chuyên ngành đã hướng dẫn các cơ sở khắc phục những mặt còn hạn chế và tuyên truyền cho chủ cơ sở biết những quy định về việc bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Cũng trong đợt kiểm tra, đoàn đã phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra thực tế tại 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn các huyện, thị, thành phố. Theo đánh giá chung, các cơ sở đều cung cấp được đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của đoàn kiểm tra như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy xác nhận kiến thức ATTP, giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở và người lao động sản xuất trực tiếp, giấy kiểm nghiệm nguồn nước sản xuất, hồ sơ truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Điều kiện về cơ sở vật chất bảo đảm theo quy định tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở khu vực sản xuất chưa bảo đảm về điều kiện như sàn nhà còn loang lỗ, đọng nước, còn côn trùng trong khu vực sản xuất chế biến. Một số cơ sở có giấy xác nhận kiến thức và khám sức khỏe nhưng hết hạn. Qua kiểm tra, xem xét đoàn kiểm tra đã lập biên bản ghi nhận và hướng dẫn, nhắc nhở chủ cơ sở khắc phục những tồn tại.
Các cơ sở kinh doanh cần tăng cường công tác vệ sinh ATTP
Qua thực tế tại địa phương vẫn còn thực trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ khi chưa có hoặc có giấy phép kinh doanh, không cơ quan nào hướng dẫn phải làm các thủ tục hành chính tiếp theo. Các cơ sở không biết liên hệ cơ quan nào để được hướng dẫn các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật. Họ sản xuất, kinh doanh trước rồi xin các thủ tục giấy tờ hành chính sau vì vậy rất khó quản lý. Một số địa bàn có dân số cơ học tăng nhanh như TX.Dĩ An, TX.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát, các cơ sở thuê mướn mặt bằng không ký hợp đồng lâu dài nên không đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng dẫn đến không bảo đảm vệ sinh ATTP, kinh doanh thực phẩm có chứa phụ gia không được phép sử dụng vẫn còn tồn tại. Qua test nhanh chỉ cảnh báo kết quả định tính không định lượng nên không thể làm căn cứ để xử lý, trường hợp lấy mẫu gửi test nhanh thì thời gian kéo dài, hàng hóa không còn. Mặt khác, các trường hợp vi phạm đều là hộ kinh doanh nhỏ, lẻ nên không xử lý nghiêm theo quy định (chỉ động viên tự tiêu hủy hàng và nhắc nhở); đa số các trường hợp vi phạm đều không khai báo được nguồn gốc thực phẩm nên không thể giải quyết tận gốc. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng ATTP và trách nhiệm của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng còn chưa cao, chạy theo lợi nhuận trước mắt, coi thường tính mạng sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, cơ quan chức năng thiên về truyền thông, vận động, biện pháp chế tài quá nhẹ, đặc biệt là UBND cấp phường chưa xem đây là nhiệm vụ trọng tâm còn đẩy cho công tác chuyên môn do việc xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa kiên quyết. Quy định của pháp luật về phân công quản lý an ATTP giữa các sở, ngành và UBND các cấp còn nhiều bất cập nên phát sinh khó khăn trong công tác quản lý. Lực lượng cán bộ làm công tác quản lý, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành còn thiếu và phân tán nên công tác thanh kiểm tra ATTP còn nhiều hạn chế...
Trước thực trạng này, các phòng kinh tế địa phương kiến nghị tiếp tục triển khai phân công cụ thể cho từng ngành trong công tác quản lý ATTP, tránh việc chồng chéo và bỏ sót đối tượng quản lý ATTP. Bên cạnh đó, cần tăng cường nhân lực cho công tác quản lý ATTP tại cấp huyện và các xã, thị trấn. Các địa phương còn đề xuất hàng năm tiếp tục mở các lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách cấp huyện, cấp xã về việc thực hiện test nhanh các mặt hàng thực phẩm được bày bán tại các chợ; bổ sung thêm các bộ dụng cụ test nhanh cho địa phương...
Theo Sở Công thương, trong dịp Tết Nguyên đán các địa phương cần tăng cường phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất, các cửa hàng bày bán trong dịp tết, nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm dồi dào và an toàn cho sức khỏe của người dân với phương châm người Việt ưu tiên dùng hàng Việt và bảo đảm chất lượng và an toàn sức khỏe.
TIỂU MY