Nâng cao hiệu quả phòng chống, ứng phó với thiên tai
(BDO) Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), hàng năm chính quyền huyện Phú Giáo đã chủ động xây dựng kịch bản, phương án để ứng phó kịp thời. Công tác PCTT ở huyện Phú Giáo ngày càng nâng cao hiệu quả, góp phần xây dựng một môi trường sống an toàn, bền vững cho người dân.
Huyện Phú Giáo hỗ trợ khắc phục kịp thời hậu quả do ảnh hưởng bởi thiên tai, giúp người dân ổn định sản xuất, sinh hoạt. Trong ảnh: Gia đình anh Trịnh Trọng Chung (đứng giữa) người dân được hỗ trợ do cây trồng bị thiệt hại
Kịp thời hỗ trợ
Theo chân cán bộ xã An Bình, chúng tôi đến tham quan vườn cao su của gia đình anh Trịnh Trọng Chung, tổ 2, ấp Đồng Tâm (xã An Bình). Trên diện tích 2,3 ha có khoảng hơn 1.000 cây cao su mới trồng lại đã bén rễ, đâm chồi. Anh Chung cho biết: “Năm 2023, gia đình anh trồng mới 1.300 cây cao su, mưa lớn gây ngập úng cục bộ kéo dài đã làm chết toàn bộ vườn cây mới trồng. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, gia đình tôi có kinh phí để đầu tư trồng lại”.
Tương tự, anh Bùi Việt Dương, tổ 1, ấp Đồng Tâm bị hư hỏng nhà cửa trong một trận lốc xoáy, chính quyền địa phương đã cử người xuống hỗ trợ kinh phí tu sửa lại, giúp gia đình yên tâm sinh hoạt. Ông Trương Công Phú, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết: “Với đặc thù là một xã thuần nông, thiên tai ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu nhập của người dân. Khi có mưa to kèm gió lốc, Ban Chỉ huy PCTT của xã sẽ rà soát, xác định chính xác số lượng hộ gia đình bị ảnh hưởng, mức độ thiệt hại để hỗ trợ kịp thời, đầy đủ. Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa thiên tai luôn được chính quyền địa phương quan tâm”.
Theo bà Huỳnh Ngọc Ánh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Giáo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, để chủ động phòng tránh và ứng phó thiên tai, hàng năm Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện thường xuyên triển khai tập huấn, hướng dẫn kỹ năng phòng chống, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT cấp xã, rà soát mua sắm đầy đủ trang thiết bị thiết yếu; đồng thời, theo dõi chặt thông tin thời tiết để kịp thời thông báo đến các xã, thị trấn có biện pháp tổ chức phòng tránh, ứng phó.
“Thông thường, ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện và các xã, thị trấn, lực lượng xung kích địa phương huy động lực lượng hỗ trợ người dân dọn dẹp hiện trường, cây xanh ngã đổ và các công trình bị hư hại. Đồng thời, các đơn vị tổ chức xác minh đánh giá thiệt hại, thực hiện các thủ tục hỗ trợ cho người dân khắc phục. Trong năm, huyện đã hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai cho 63 hộ dân, tổng kinh phí gần 163 triệu đồng”, bà Huỳnh Ngọc Ánh cho biết thêm.
Chủ động ứng phó
Để chủ động trong công tác PCTT, huyện lồng ghép nội dung vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của ngành, kinh tế - xã hội của huyện và triển khai thực hiện đồng bộ. Hiện nay, 11/11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện bảo đảm yêu cầu chủ động PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”. Các đội xung kích ở các xã, thị trấn đã chủ động triển khai hoạt động PCTT, ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, đáp ứng các tiêu chí yêu cầu dân sinh, yêu cầu PCTT tại chỗ.
Năm 2023, thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện chủ yếu mưa kèm dông lốc, sét, ngập do mưa lớn. Ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản khoảng trên 1,7 tỷ đồng, chủ yếu thiệt hại về nhà cửa, công trình phụ, rau màu, cây ăn trái, cây cao su... |
Bên cạnh đó, huyện tăng cường hoạt động thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến trên địa bàn huyện như dông lốc, sét, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở bờ sông bằng nhiều hình thức, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng; tổ chức tập huấn, diễn tập nâng cao năng lực cho lực lượng làm nhiệm vụ và nâng cao nhận thức của người dân trong công tác PCTT...
Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban PCTT&TKCN huyện, cho biết khi thiên tai xảy ra việc chủ động phương án kịch bản ứng phó là quan trọng nhất. Để công tác PCTT&TKCN năm 2024 đạt kết quả tốt, huyện rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro trên địa bàn xã, thị trấn; chuẩn bị danh sách lực lượng, trang thiết bị tại chỗ để chủ động trong trường hợp thiên tai xảy ra sẽ ứng phó kịp thời.
HẠNH NHI - LÝ HUY