Nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh thời điểm cuối năm
(BDO) Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Thời điểm cuối năm, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh vẫn tiềm ẩn. Do đó, trong tình hình hiện nay, ý thức phòng, chống dịch của người dân và sự quyết liệt của các địa phương là những yếu tố rất quan trọng để khống chế hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm.
Cán bộ địa phương và người dân lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết để diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết
Dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp
Thời gian gần đây, dịch Covid-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp sau khi các địa phương thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Số ca bệnh có xu hướng tăng, nhất là tại thời điểm người dân về quê và trở lại Bình Dương. Bên cạnh đó, thời tiết mùa xuân sắp tới rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, như: Bệnh tay chân miệng, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, các bệnh cúm, tiêu chảy... Việc gia tăng giao lưu, đi lại trong dịp tết, lễ hội là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát. Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm gia cầm tăng cao cũng dẫn đến nguy cơ xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm mới, nguy hiểm.
Trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, tăng về số ca mắc và tử vong; các bệnh truyền nhiễm khác tuy không xảy ra dịch bệnh lớn, nhưng vẫn ghi nhận các trường hợp bệnh rải rác tại các địa phương. Toàn tỉnh đã ghi nhận 3.994 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại tất cả 9/9 huyện, thị, thành phố, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 2 ca tử vong; 12 trường hợp mắc sởi, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2020; 2.033 ca tiêu chảy; 411 ca mắc thủy đậu; 1.536 ca cúm mùa. Bình Dương là tỉnh có nhiều khu công nghiệp và tập trung lượng lớn công nhân từ các tỉnh, thành đến làm việc, sinh sống tại các khu nhà trọ, khu dân cư, cùng với khí hậu thuận lợi, các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng... thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.
Theo nhận định của ngành y tế, tình hình dịch bệnh mùa đông xuân có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn do điều kiện thời tiết thuận lợi để dịch bệnh phát triển. Bác sĩ Nguyễn Thanh Trị, Trưởng trạm Y tế phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát, cho biết: “Dù năm 2020, dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng đều giảm ở địa phương nhưng các ca bệnh vẫn có nguy cơ xuất hiện trong những ngày tới. Hiện nay, một bộ phận người dân chưa quan tâm thực hiện các giải pháp phòng bệnh thường xuyên”. Cùng chung nhận định này, bác sĩ CK1 Đỗ Việt Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Dĩ An, cho biết: “Từ nay đến Tết Dương dịch và Tết Nguyên đán tình hình dịch bệnh dự báo diễn biến phức tạp, nhất là dịch Covid-19. Người dân trên địa bàn đi làm việc, các hoạt động giao thương kinh tế - xã hội tăng, nhu cầu di chuyển nhiều hơn nên nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng rất cao. Ý thức phòng dịch của người dân và sự quyết liệt của các địa phương là những yếu tố rất quan trọng để khống chế dịch hiệu quả”.
Khống chế, dập dịch hiệu quả
Để thực hiện mục tiêu không để dịch chồng dịch, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương nhấn mạnh 8 nhiệm vụ trọng tâm của ngành vào cuối năm 2021 đầu năm 2022. Trong 8 nhiệm vụ này, ông đặc biệt nhấn mạnh vào công tác giám sát, xử lý ca bệnh. Trong đó, các địa phương đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm dịch bệnh Covid-19, MERS-CoV, cúm A(H7N9), bệnh cúm A(H5N1), A(H5N6); chú trọng triển khai các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp (bạch hầu, sởi, rubella...) và các bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết...); xử lý triệt để các ổ dịch.
“Hoạt động của các trạm y tế lưu động tại các địa phương và khu công nghiệp phải được giám sát, bảo đảm người bệnh được quản lý, chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Ngành y tế cũng tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng tại các huyện, thị, thành phố có nguy cơ cao, phun hóa chất xử lý ổ dịch; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện chẩn đoán, cấp cứu bệnh nhân để giảm tử vong do dịch bệnh Covid-19 và các bệnh mùa đông xuân. Đặc biệt, cuối năm 2021, toàn ngành phải hoàn thành tiêm mũi 1 vắc xin ngừa Covid-19 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho trường hợp đã tiêm mũi 1 đủ thời gian quy định. Riêng đối với mũi 3, phấn đấu đến tháng 2-2022, tỉnh hoàn thành tiêm cho 100% các đối tượng ưu tiên theo quy định của Bộ Y tế”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương nói.
Để phòng tránh các bệnh sởi, tay chân miệng, người dân cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, lau rửa đồ chơi cho trẻ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn… Nếu trong nhà có trẻ bị tay chân miệng hay sởi thì cần chú ý không để lây sang cho trẻ khác trong nhà bằng cách: Không dùng chung các vật dụng ăn uống, đồ chơi, khăn tay. Đặc biệt, đối với bệnh sốt xuất huyết, người dân không được chủ quan mà cần chủ động thực hiện các biện pháp khuyến cáo, như: Vệ sinh nhà cửa, nơi ở sạch sẽ, ngủ màn dù ban ngày hay ban đêm, mặc quần áo dài tay để tránh bị muỗi đốt; diệt lăng quăng, diệt muỗi, lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết, phát quang bụi rậm ngay trong khu vực của nhà ở. Người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, không được chủ quan, lơ là, phối hợp với ngành y tế và chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và Covid-19.
HOÀNG LINH