Nâng cao hiệu quả năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Thứ sáu, ngày 25/06/2021

(BDO) Năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020, giao Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì thực hiện. Qua 3 năm nỗ lực triển khai thực hiện, đến nay dự án đã đạt được nhiều kết quả, trong đó đã góp phần quan trọng vào việc giúp DN nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khả năng cạnh tranh, khẳng định thương hiệu.

 Những năm qua, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã nỗ lực triển khai thực hiện dự án, góp phần quan trọng vào việc giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khả năng cạnh tranh, khẳng định thương hiệu trên thị trường. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Cường Phát, TP.Thuận An (ảnh chụp khi chưa có dịch bệnh)

 Nỗ lực hỗ trợ DN

Với mục tiêu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các DN trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở triển khai áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, những năm qua Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (gọi tắt là Chi cục), Sở KH&CN đã nỗ lực triển khai dự án đến các DN. Trong giai đoạn 2017-2020, nhằm nâng cao nhận thức phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của thịtrường trong nước cũng như xuất khẩu trong tình hình mới, Chi cục đã tổ chức hội nghị, hội thảo triển khai dự án để vận động, phổ biến cho các đối tượng tham gia, giới thiệu các công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, các kết quả điển hình của các DN đã áp dụng.

3 năm qua, Chi cục đã tập huấn cho hơn 800 DN cách thức xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn (tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia…), phương pháp áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng, hệ thống quản lý chất lượng, khai thác các thông tin có liên quan. Xây dựng và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá; phát triển và duy trì trang thông tin điện tử để cung cấp rộng rãi thông tin, kiến thức về năng suất và chất lượng, các mô hình điểm đến các cơ quan quản lý và các tổ chức, DN. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về năng suất và chất lượng cho cán bộ và DN, đào tạo kỹ năng làm việc, áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng cho người lao động trong các DN. Đồng thời, Chi cục đã hỗ trợ các DN chứng nhận và công bố hợp chuẩn, hợp quy; xây dựng áp dụng và chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO 9001, ISO 14001, ISO/IEC 27001, ISO 22000, ISO50001, ISO/ IEC 17025, OHSAS 18000, SA 8000 HACCP…); áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng (5S, QCC, 7 công cụ, Kaizen, GHK, KPI.. .).

Triển khai thực hiện dự án, Chi cục đã nỗ lực đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DN, phát triển dự án thành phong trào, góp phần tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa, năng lực cạnh tranh của DN. Từng bước cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế dựa trên cơ sở nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).

Ông Lý Thái Hùng, Chi cục trưởng, cho biết: “Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN đã có những tác động tích cực đối với cộng đồng DN. Các DN đã nhận thức được đầy đủ hơn tầm quan trọng của năng suất chất lượng đối với sự phát triển. Vấn đề cải tiến năng suất, chất lượng xuất hiện nhiều hơn trong tư duy và hành động của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý DN. Năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động tại các DN tham gia dự án tăng rõ rệt, giảm thiểu lãng phí, tiết kiệm nguyên liệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, DN. Phong trào năng suất và chất lượng đang được hình thành trong cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh”.

Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Từ hiệu quả về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua ứng dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, mô hình công cụ cải tiến đã góp phần tuyên truyền sâu rộng về vai trò của khoa học, công nghệ đối với nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khả năng cạnh tranh của DN. Các DN đã được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, tạo sự gắn kết giữa khoa học và sản xuất, đời sống.

Ông Lý Thái Hùng cho biết thêm, dự án đã huy động được nguồn lực của xã hội tập trung cho mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm hàng hóa chủ lực của nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, thương hiệu của DN, sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trên thịtrường trong, ngoài nước. Dự án từng bước giúp DN tiếp cận và làm chủ các mô hình quản lý tiên tiến trong khu vực, vận dụng phù hợp với đặc thù của DN, tạo tiền đề nhân rộng áp dụng cho cộng đồng DN. Ngoài ra, dự án đã tính được chỉtiêu đóng góp tăng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh qua các năm. Đơn cử như năm 2016 tăng 39,06%; năm 2017 tăng 26,62%; năm 2018 tăng 29,64%; năm 2019 tăng 28.20%; năm 2020 tăng 27,26%.

Theo tìm hiểu, các doanh nghiệp tham gia dự án đã tăng được năng suất, chất lượng, giảm thiểu lãng phí, tiết kiệm nguyên liệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều DN đã phát triển thương hiệu sản phẩm, mở rộng thịphần, bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ quátrình sản xuất, tỷ lệ sản phẩm đạt yêu cầu đã được nâng lên và giảm những chi phí khác nhằm giảm giáthành sản phẩm.

Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Chi cục, Công ty TNHH Cường Phát (TP.Thuận An) đã áp dụng các công cụ 5S, quản lý hàng ngày (KPIs), 7 công cụ kiểm soát chất lượng trong sản xuất, kinh doanh, đã mang lại hiệu quả cho đơn vị. Ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Cường Phát, cho biết với chương trình cải tiến năng suất, chất lượng do Sở KH&CN, Chi cục triển khai, công ty đã có sự lựa chọn giải pháp tốt nhất để nâng cao hiệu quả sản xuất, có thể thực hiện trong điều kiện thực tế của công ty mà không phải tốn nhiều chi phí đầu tư. Trong quátrình thực hiện, công ty áp dụng các công cụ năng suất, chất lượng 5S (sàng lọc - sắp xếp - sạch sẽ - săn sóc - sẵn sàng), kaizen (cải tiến liên tục)…, kết quả đã tiết kiệm chi phí cho công ty hơn 2,5 tỷ đồng.

Việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nung gốm sứ giúp DN khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nung đốt bằng lò than, đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm. “Qua việc áp dụng kaizen, công ty đã cải tiến lò nung, triển khai thu hồi đất từ bùn thải. Nhờ đó, hàng năm công ty tiết kiệm được hơn 600 triệu đồng chi phí nguyên liệu nung, tiết kiệm trung bình gần 26 triệu đồng/tháng cho chi phí nguyên liệu sản xuất”, ông Lý Ngọc Bạch nói.

Ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Liên Thành Phát (TP.Thủ Dầu Một), cho biết: “Được sự hỗ trợ nhiệt tình của Chi cục về triển khai thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, sản phẩm của công ty đã đạt các quy chuẩn và được chứng nhận hợp quy. Nhờ đó, sản phẩm của công ty đã được người tiêu dùng tin cậy sử dụng và biết đến nhiều hơn. Mặc dù do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên đến nay sản phẩm của công ty phân phối trên thịtrường tăng hơn 30% so với thời điểm sản phẩm chưa được chứng nhận hợp quy”.

 Quá trình triển khai thực hiện dự án, Chi cục đã hỗ trợ 24 DN áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng, như 5S, QCC, 7 công cụ, Kaizen, Layout, KPIs, quản lý chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) và các công cụ khác. Hỗ trợ 40 DN xây dựng áp dụng và chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quản lý, như ISO 50001, SA 8000, OHSAS 18000, HACCP. Hỗ trợ 46 DN được trao tặng giải thưởng chất lượng quốc gia và châu Á - Thái Bình Dương. Hỗ trợ 102 DN chứng nhận và công bố hợp chuẩn, hợp quy.

 PHƯƠNG LÊ