Nâng cao hiệu quả mạng lưới quan trắc môi trường
(BDO) Quan trắc môi trường đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Sau nhiều năm triển khai hoạt động, mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Bình Dương đã phát triển, cơ bản đáp ứng được những đỏi hỏi trước mắt; tuy nhiên cũng bộc lộ những hạn chế trước yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Cán bộ chuyên ngành lấy mẫu quan trắc nước mặt
Hiệu quả
Trong giai đoạn 2012-2020, công tác quan trắc môi trường ở nước ta đã được quan tâm, chú trọng thực hiện và phát triển khá mạnh mẽ ở cả cấp Trung ương và địa phương, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Đối với mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 6-4-2012 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2030.
Năm 2012, Bình Dương đãban hành Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường giai đoạn đến 2020 theo Quyết định số 918/QĐ- UBND ngày 6-4-2012 của UBND tỉnh, gồm các thành phần nước mặt, trầm tích đáy, nước dưới đất, không khí, đất, nước thải và thủy văn. Đến nay, hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường của tỉnh từng bước được hoàn thiện. Các thiết bị quan trắc tự động đã được đầu tư, hiện đại hóa để có thể kịp thời theo dõi, giám sát liên tục hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường.
Các điểm quan trắc, thông số và tần suất quan trắc định kỳ được Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện đầy đủ theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trong đó thực hiện 34/34 điểm quan trắc nước mặt, 26/26 điểm quan trắc đất, 16/16 điểm quan trắc không khí xung quanh, 56/56 điểm quan trắc nước dưới đất, 14/14 điểm quan trắc trầm tích đáy với tần suất định kỳ từ 1 - 12 đợt/năm. Đến nay, Bình Dương đã thực hiện đầu tư và tiếp nhận 97 trạm quan trắc tự động nước thải, đầu tư 3 trạm và tiếp nhận 1 trạm quốc gia quan trắc nước mặt tự động cố định, 2 trạm thủy văn trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Các trạm có công trình kiên cố bảo đảm hoạt động ổn định, lâu dài và liên tục. Mạng lưới quan trắc đã được thực hiện theo từng giai đoạn 2012-2015 và 2016-2020, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện tự nhiên của tỉnh.
Qua 8 năm triển khai thực hiện mạng lưới đã thu thập được khối lượng lớn thông tin dữ liệu của nhiều thành phần môi trường cơ bản, tạo lập được một hệ thống cơ sở dữ liệu về hiện trạng chất lượng môi trường tương đối đầy đủ, cung cấp thông tin cho hoạt động quản lý bảo vệ môi trường kịp thời, phục vụ nhu cầu xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực tế cho thấy hoạt động kinh tế - xã hội càng phát triển thì nhu cầu sử dụng thông tin, dữ liệu về môi trường càng cao.
Kế thừa và chọn lọc
Tuy nhiên, so với mạng lưới quan trắc của các nước trên thế giới và yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường của nước ta trong tình hình mới, hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường của Bình Dương hiện nay vẫn còn hạn chế về số lượng điểm, tần suất, thông số quan trắc, chưa đáp ứng một cách đầy đủ nhu cầu dữ liệu phục vụ công tác công bố thông tin, dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường. Cụ thể số lượng, quy mô và mật độ các trạm/điểm quan trắc môi trường tự động, liên tục và định kỳ còn thưa, chưa được đầu tư đồng bộ; thành phần môi trường, thông số và tần suất quan trắc chưa được cập nhật, bổ sung đầy đủ theo quy định hiện hành nên sẽ không phản ánh được kịp thời bức tranh về hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường trong thời gian tới.
Để nâng cao hiệu quả hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường đáp ứng yêu cầu quan trắc phục vụ công tác quản lý và bảo vệ môi trường của tỉnh trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung để xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trên cơ sở kế thừa và chọn lọc mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường hiện hữu. Ngoài ra, điều chỉnh và đề xuất các điểm quan trắc mới, với tần suất và thông số quan trắc phù hợp quy chuẩn pháp luật hiện hành, đáp ứng nhu cầu quản lý và chia sẻ thông tin liên vùng, hỗ trợ các ban ngành khác trong công tác lập quy hoạch ngành, đánh giá và dự báo diễn biến chất lượng môi trường theo các quy hoạch mới.
Theo đó, mạng lưới quan trắc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 có một số điều chỉnh. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 bổ sung 21 vị trí mới; giai đoạn 2026-2030 bổ sung 8 vị trí mới. Các vị trí bổ sung vào mạng lưới quan trắc chủ yếu do thay đổi quy hoạch định hướng về kinh tế - xã hội của tỉnh, đánh giá sự tác động chất lượng môi trường do hoạt động đô thị hóa, các khu vực đầu tư mới cần có dữ liệu quan trắc nền để đánh giá mức tác động trong giai đoạn tiếp theo.
PHƯƠNG LÊ